Bạn có thể nghe mòn tai những lời khuyên về việc tiết kiệm tiền ngay từ nghi còn trẻ. Dù biết đây là thói quen rất tốt nhưng không phải ai cũng nắm bắt và thực hiện được ngay. Cho đến 1 ngày, họ bỗng dưng bắt gặp một "sự kiện" làm thay đổi hoàn toàn cách quản lý tiền nong, chẳng hạn như... mang nợ.
Đây cũng là câu chuyện của T.H, một cô gái với bài đăng chia sẻ về cách tiết kiệm tiền tuổi 3x sau khi trải qua biến cố ở những năm đầu tuổi 20 đang gây chú ý.
T.H chia sẻ, thời mới ra trường, giống như nhiều người trẻ, cô theo đuổi lối sống YOLO - You Only Live Once (Bạn chỉ sống một lần). Cũng vì thế, cô nhận lương tháng nào thì xài hết tháng đó. Cô chỉ bắt đầu nghiêm túc tiết kiệm sau khi phải trả khoản nợ 300 triệu đồng vay ngân hàng để đi du học.
T.H nhớ lại, cô phải sống tiết kiệm và 'cày cuốc' công việc hết mức để cố gắng trả nợ sớm nhất có thể. Sau trải nghiệm này, cô vẫn duy trì lối sống tiết kiệm. Với cô tiết kiệm là chi tiêu đúng, chi tiêu để đầu tư chứ tiết kiệm không phải là không dám tiêu, tiêu cái gì cũng xót tiền.
5 phương pháp tiết kiệm của cô nàng 3x: Tiết kiệm đúng nghĩa không phải là không dám tiêu xài
Đã từng trải qua biến cố đầu năm 20 tuổi, cho đến nay T.H đã có những nguyên tắc riêng để theo đuổi lối sống tiết kiệm.
1. Luôn ghi chép thu chi đầy đủ
T.H duy trì việc ghi chép này trong 4 năm. T.H không ghi từng khoản chi tiêu tỉ mỉ, vì không muốn lãng phí thời gian và có thể bỏ sót. Thay vào đó cô chia chi phí tiêu dùng thành từng khoản, đến kỳ hạn cố định thì đóng một thể rồi ghi chép lại.
Cụ thể, cô chia các khoản tiêu dùng như sau:
- Tiền nhà, phí chung cư, điện nước, tiền học của con,... thanh toán trong một ngày của tháng rồi ghi chép một thể.
- Tiền ăn, mua sắm đồ dùng gia đình, tiêu lặt vặt trong ngày,...khoán sẵn một khoản tách riêng để tiêu đến cuối tháng.
- Tiền bảo hiểm đóng theo năm thì mỗi tháng trích 1 khoản bỏ vào tài khoản riêng cất đi, đủ một năm thì đóng.
"Như vậy việc ghi chép sẽ nhanh gọn hơn, không bị bỏ sót. Việc ghi chép như này sẽ giúp mình đánh giá được sức khỏe tài chính của gia đình mình, điều chỉnh lại thu chi cho hợp lý để sớm đạt được kế hoạch trong tương lai (mua nhà, mua xe, đóng tiền học theo năm khi con vào lớp 1,...)", T.H nói thêm.
2. Tận dụng tiêu dùng bằng thẻ tín dụng
Trước khi dùng thẻ tín dụng, T.H đã tìm hiểu kỹ để tận dụng chúng. Cô đang dùng 2 thẻ, một thẻ để đóng phí bảo hiểm cho gia đình, một thẻ nhằm mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Một năm, số tiền được hoàn khoảng 8-10 triệu đồng.
3. Theo đuổi lối sống tối giản
T.H vẫn mua sắm quần áo, đồ dùng khi cần thiết, để đầu tư cho công việc hay cuộc sống. Chỉ là cô không mua sắm theo cảm xúc, không mua theo kiểu mua về rồi nhét tủ, mấy năm vẫn chưa cắt mác.
Nhờ duy trì lối sống tối giản nên T.H cũng cố gắng mua sắm có chọn lọc hơn.
Về quần áo, cô ưu tiên kiểu thiết kế, màu sắc basic, vừa dễ kết hợp, vừa không nhanh lỗi mốt. Cô thường chọn mua trang phục có chất liệu tốt để dùng bền, nhằm vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.
Về đồ ăn thức uống, cô cũng mua vừa đủ ăn, nấu nướng tại nhà để vừa tiết kiệm vừa đảm bảo chất lượng. Một tuần gia đình T.H sẽ đi ăn quán một lần để thay đổi không khí.
Ngoài ra, nhà T.H rất ít đồ dùng. Bởi cô chỉ sắm mua sắm những món đồ mà gia đình thực sự dùng tới. Nhà ít đồ cũng dễ dọn dẹp, ít tích tụ bụi bẩn, nếu chuyển nhà cũng nhanh gọn nhẹ.
4. Tận dụng chương trình sale
T.H chủ yếu mua sắm trên sàn thương mại điện tử, và thường hàng tháng đều có chương trình sale. Trước đó, T.H sẽ lên danh sách những đồ dùng cần mua sắm và bỏ vào giỏ hàng, tới ngày sale mua một thể.
"Số tiền được giảm giá cũng kha khá, lại còn có voucher miễn ship – giảm ship nữa. Thêm cái là có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, mình sẽ được hoàn tiền như kể ở trên", T.H chia sẻ.
5. Tránh mua sắm bốc đồng
Để tránh mua sắm theo cảm xúc, cô sẽ cố gắng không mua ngay mà thường bỏ đồ vào giỏ hàng. Sau đó, 1-2 ngày sau cô sẽ quay lại và dùng lý trí để quyết định có nên mua đồ hay không. Với T.H, cách làm này có thể giảm 80% các pha mua sắm bốc đồng, nhờ đó tiết kiệm được khá nhiều tiền trong chi tiêu.
Sau cùng, T.H nhấn mạnh về quan điểm tiết kiệm của cô: "Mình vẫn muốn nhấn mạnh lại rằng tiết kiệm là chi tiêu hợp lý, chứ không phải chắt bóp, ăn không dám ăn, tiêu không tiêu. Ngoài ra, chỉ tiết kiệm thôi là chưa đủ, còn cần phải biết tăng thu nhập để sớm đạt được các kế hoạch tài chính nữa. Mình cũng đang cố gắng để có thêm nhiều khoản thu nhập thụ động hơn".