Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang bảo quản nhiều khối tài liệu về ngoại giao, hợp tác quốc tế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Trong đó có khối tài liệu có giá trị, ý nghĩa về Hội nghị Paris.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris - Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết. Thắng lợi này là thành quả trực tiếp của sự kết hợp ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, trong đó ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động. Hiệp định là kết quả của gần 5 năm đàm phán, với nhiều phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn.
Theo giới thiệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, khối tài liệu này bao gồm các loại hình: Tài liệu hành chính (bằng giấy), tài liệu ảnh, tài liệu ghi âm. Trong đó, nhiều thành phần tài liệu quan trọng về Hội nghị Paris đang được đóng dấu các mức độ mật.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), Phóng viên Người Đưa Tin đã có dịp được tiếp cận với một phần của kho tài liệu này.
Khối tài liệu này được bảo quản tại Kho Lưu trữ nằm ở Tầng hầm của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III với chế độ bảo quản tốt nhất theo quy định hiện hành.
Tài liệu hành chính (giấy) về Hội nghị Paris là những tài liệu thuộc các phông: Phông Phủ Thủ tướng, Phông Quốc hội, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban tố cáo tội ác của Mỹ ở Việt Nam, tài liệu của các cá nhân: Đại sứ Hà Văn Lâu, Hoàng Minh Giám,…
Tài liệu giấy chiếm phần lớn khối tài liệu về Hội nghị Paris.
Nhiều thành phần tài liệu quan trọng về Hội nghị Paris đang được đóng dấu các mức độ mật, vẫn cần được tiếp tục giải mã, để thấy rõ hơn về giá trị, ý nghĩa của Hiệp định này.
Tài liệu ảnh bao gồm các ảnh về tiến trình Hội nghị Paris, về quá trình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với Việt Nam thuộc các phông: Phông Bộ Ngoại giao, Mục lục ảnh khối cơ quan, Đại sứ Hà Văn Lâu, Hoàng Minh Giám,…
Những bức ảnh này là nguồn tài liệu quý giá nghiên cứu về ngoại giao Việt Nam trong kháng chiên chống Mỹ, về nỗ lực của Chính phủ, nhân dân Việt Nam trong đấu tranh ngoại gioa bảo vệ độc lập dân tộc.
Tài liệu ghi âm so với tài liệu giấy và tài liệu ảnh là một loại hình độc đáo, đặc biệt, chiếm một số lượng lớn, với gần 700 giờ băng ghi âm về quá trình, diễn biến Hội nghị Paris, từ buổi khai mạc, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc riêng đến các phiên họp toàn thể từ năm 1968 – 1973 như: Bài phát biểu của đồng chí Xuân Thủy và Harriman tại cuộc nói chuyện chính thức giữa Đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mĩ tại buổi khai mạc hồi 10h30 ngày 13/5/1968; Phiên họp kí tắt Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam (giữa đồng chí Lê Đức Thọ với Henry Kissinger) ngày 23/01/1973; Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Lê Đức Thọ với Henry Kissinger ngày 11/02/1973…
Khối tài liệu này được bảo quản với thời hạn vĩnh viễn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III chia sẻ khối tài liệu bảo quản tại TTLTQG III như những “bằng chứng sống” không chỉ ghi lại toàn bộ quá trình diễn biến Hội nghị mà còn phản ánh được không khí, thái độ cũng như quá trình tranh luận có những lúc căng thẳng của các bên tham gia.
"Đây thực sự là nguồn sử liệu tin cậy, khoa học, toàn diện, khách quan về Hội nghị Paris, hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn phục vụ nghiên cứu về Hội nghị Paris, về lập trường, quan điểm, thái độ của các bên tham dự Hội nghị", bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đánh giá.
Bà Hoa cũng thông tin thêm, trong những năm gần đây, Trung tâm được tiếp nhận những tài liệu quý từ các cơ quan Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Lưu trữ Liên Bang Nga… và từ các nhân chứng tham gia Hội nghị Pari là những nguồn tài liệu mới, góp phần bổ sung thêm thông tin về Hội nghị Paris.
Nhìn chung, với số lượng và sự đa dạng về loại hình (trong đó khối tài liệu giấy và ảnh phần lớn đã số hóa, khối tài liệu ghi âm đã được gỡ và gõ thành text), tài liệu lưu trữ về Hội nghị Paris có giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn trong việc nghiên cứu về Hội nghị Paris nói riêng, chủ trương đường lối ngoại giao của Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ và lịch sử ngoại giao của Việt Nam nói chung.
Cũng như nhiều khối tài liệu khác đang được bảo quản tại TTLTQG III, Trung tâm đã triển khai các biện pháp nhằm giúp độc giả tiếp cận khối tài liệu về Hội nghị Paris năm 1973 như: Sắp xếp, chỉnh lí khoa học tài liệu về Hội nghị Paris; Xây dựng công cụ tra cứu, cơ sở dữ liệu phục vụ việc tra cứu tài liệu; Phục vụ độc giả tại phòng đọc của Trung tâm; Viết bài Công bố, giới thiệu tài liệu về “Hội nghị Paris năm 1973” trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm xuất bản sách tài liệu lưu trữ về Hội nghị Paris.