Vận tải đường sắt bị "bào mòn" lợi nhuận vì gánh nặng chi phí

Chi phí nhiên liệu và các sự cố sạt lở hầm khiến lợi nhuận hai công ty vận tải của ngành đường sắt giảm sâu, dù vậy vẫn vượt xa kế hoạch năm.

Theo báo cáo tài chính, CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (UPCoM: HRT) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 779 tỷ đồng trong quý II/2024. Đây là mức doanh thu cao nhất trong hơn 8 năm qua và tăng 24% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu hành khách và hành lý tăng thêm 108 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức tăng tổng chi phí cao hơn doanh thu khiến lãi ròng chỉ hơn 6 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ và bốc hơi tới 82% so với quý I trước đó, chủ yếu do tăng chi phí điều hành giao thông vận tải.

Cũng với lý do trên, CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (UPCoM: SRT) ghi nhận lãi ròng quý II còn chưa đến 5 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ và lao dốc gần 85% so với quý I, mặc dù doanh thu đạt hơn 529 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2023.

Vận tải đường sắt bị "bào mòn" lợi nhuận vì gánh nặng chi phí- Ảnh 1.

Từ cuối năm 2023 đến nay, ngành đường sắt đã cho ra mắt đoàn 2 tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng SE19/20 và Sài Gòn - Đà Nẵng SE21/22 với nhận diện riêng và gia tăng tính thẩm mỹ để thu hút hành khách.

Lý giải nguyên nhân giảm lãi trong khi quý II/2024 tàu đông khách, sản lượng tăng trưởng cao, CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, chủ yếu do chi phí tăng. Nếu quý II/2023, chi phí hơn 417 tỷ, thì quý II/2024 lên đến hơn 524,7 tỷ, tỷ lệ tăng 25,76%.

Trong đó, các chi phí SXKD tương ứng với tăng doanh thu như: Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt chiếm 8% doanh thu theo quy định; chi phí điều hành GTVT đường sắt; chi phí các sản phẩm tác nghiệp liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu…

Cùng đó còn có nguyên nhân như giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, phát sinh thêm chi phí chuyển tải, phục vụ hành khách do sự cố sạt lở hai hầm Bãi Gió và Chí Thạnh làm tăng phí điều hành GTVT đường sắt…

Trong phí điều hành GTVT, chi phí sức kéo chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng quý II/2024, đơn giá nhiên liệu mua vào phục vụ cho sức kéo tăng cao, hơn 18.000 đồng/lít, còn đơn giá quý II/2023 hơn 17.000 đồng/lít, thấp hơn 7,25%, dẫn đến phí điều hành GTVT tăng. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp này nâng cấp các toa xe khách để chạy tàu chất lượng cao Sài Gòn - Đà Nẵng SE21/SE22 dịp hè nên cũng tốn thêm chi phí cho đầu tư phương tiện.

Nhờ quý đầu năm thắng đậm khi "cháy vé" tàu về quê dịp Tết, cả Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đều vượt kế hoạch lợi nhuận năm bằng lần. Cụ thể, năm 2024, HRT đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt trên 12 tỷ đồng, SRT đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 10,76 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, HRT lãi ròng hơn 40 tỷ đồng, còn SRT lãi khoảng 38 tỷ đồng.

Trước đó, cả hai doanh nghiệp đều trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ triền miền. Tại ngày 30/06/2024, lỗ lũy kế của HRT giảm xuống còn 329 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế SRT còn gần 344 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Đại hội đồng cổ đông cả hai công ty đã quyết định thông qua nội dung và ký kết hợp đồng hợp nhất. Đây là bước đi, hiện thực hóa đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện, HRT và SRT đang triển khai các thủ tục cho quá trình hợp nhất.

Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Hiện, HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi Tp.HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. SRT quản lý các tuyến từ Tp.HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn...

Sáu tháng đầu năm, VNR ghi nhận hơn 4.500 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Đây là doanh thu bán niên cao nhất từ trước đến nay, thậm chí cao hơn mức thu năm giai đoạn 2019-2021 (thời điểm dịch Covid-19). Lãi sau thuế đạt gần 77 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Trong khi đó, công ty mẹ ghi lỗ gần 7 tỷ đồng.

Link nội dung: https://tintuc365.net/van-tai-duong-sat-bi-bao-mon-loi-nhuan-vi-ganh-nang-chi-phi-a115187.html