Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi.
Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào sáng nay 5/9, bão đã mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Khả năng cao, cường độ bão sẽ tăng lên cấp 16 hôm nay trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông.
Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9 m, vùng gần tâm bão 10-12 m. Biển động dữ dội.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ tối và đêm 6/9, bão có thể vào Vịnh Bắc Bộ, kèm theo mưa, gió tăng rõ rệt. Vào chiều và đêm 7-8/9 sẽ có mưa to. Dự báo đến chiều 8/9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi đổ bộ có thể mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17. Bão hiện di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10-15 km/h.
Chỉ còn 24 tiếng ứng phó với bão số 3
Phát biểu chỉ đạo tạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, cơn bão số 3 rất mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương. Chính phủ rất quan tâm đến diễn biến của bão. Ngay trong ngày hôm nay, Thủ tướng đã ban hành 2 công điện để chỉ đạo ứng phó với bão.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bên tham dự họp báo cáo tập trung vào công tác ứng phó với bão, trong đó đặc biệt quan tâm đến kế hoạch cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau bão.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ rõ những vùng ảnh hưởng chính của bão, các vùng hoàn lưu để địa phương có phương án chủ động.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, các bộ, ngành địa phương chỉ còn chưa đầy 1 ngày để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Do đó, ngay từ bây giờ, phải ưu tiên những việc giúp ích trực tiếp cho người dân, nhất là tại vùng tâm bão đi qua tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
"Người dân cần cập nhật định kỳ thông tin về bão số 3. Riêng trong ngày thứ Bảy (7/9) sắp tới, mọi người trong vùng hoàn lưu bão ở nhà, tránh ra đường", Bộ trưởng Hoan nói.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, tùy thuộc vào diễn biến của bão số 3, ngành giao thông sẽ có phương án cụ thể chằng, buộc, gia cố tại các công trình đang thi công. "Ngành giao thông vận tải đã lên phương án ứng phó sau khi bão tan", ông Sang nói.
Với lĩnh vực hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang thông tin, Cục trưởng Cục Hàng hải vừa đi kiểm tra một loạt các tỉnh ven biển khu vực phía Bắc, nhằm phối hợp địa phương, lên kịch bản cấm biển, cũng như chốt chặn các tàu xa.
Ông Sang nhấn mạnh: "Một số tàu tại Hải Phòng và Thái Bình có liên quan đến việc xét xử tại tòa án. Việc di chuyển những tàu này bị vướng. Do đó, Bộ đang làm việc chặt chẽ để có thể đảm bảo an toàn cho người dân".
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đặc biệt lưu tâm đến ngành hàng không. Ông cho biết, sẽ cân nhắc kỹ thời điểm cấm bay, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, cũng như kịp thời nối tuyến ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ cấm biển từ ngày mai (6/9)
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, 51.000 tàu cá và hơn 90.000 người đã được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 3. Các phương tiện đang di chuyển tránh trú về nơi an toàn.
Từ ngày mai (6/9), các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ cấm biển. Riêng Ninh Bình cấm biển từ hôm nay.
Trước sức gió giật có thể đến cấp 14, hệ thống đê điều có thể gặp vấn đề. Do đó, địa phương cần sớm có phương án tu bổ điểm xung yếu, đồng thời tăng cường nạo vét kênh, mương, hệ thống tiêu thoát nước.
Dựa trên chỉ đạo từ 2 công điện của Thủ tướng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch của mình. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ các quốc gia lân cận, đề nghị cho ngư dân Việt Nam có thể tránh trú bão kịp thời.
Theo đại diện Ban chỉ đạo quốc gia, một số cơn bão trước đây có hoàn lưu rộng, ảnh hưởng nhiều ngày sau khi tan bão, đặc biệt là các tỉnh miền núi. "Nguy cơ tàn phá của bão số 3 rất cao", ông Luận nhấn mạnh.
Ông Phạm Đức Luận lưu ý: "Vẫn có tình trạng lơ là, chủ quan với ứng phó bão ở một số bộ phận người dân, địa phương. Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, bà con kiên quyết không ở lại lồng bè khi có bão đổ bộ vào bờ".
Link nội dung: https://tintuc365.net/bao-so-3-dien-bien-phuc-tap-bo-gtvt-can-nhac-cam-bay-a124389.html