'Gom' hơn 670 tấn chỉ trong 1 tháng, các cá voi bí ẩn đang mua vàng với khối lượng chưa từng có trong 55 năm

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc và Nga chính là những “cá voi” lớn nhất trên thị trường này và cũng có dấu hiệu cho thấy một số quốc gia đang giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Các NHTW mạnh tay "gom" vàng

Dữ liệu được tổng hợp bởi Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu đối với kim loại quý này đã vượt xa so với số lượng mua vào hàng năm trong suốt 55 năm qua. Các ước tính của tháng trước cũng chỉ ra con số lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố chính thức từ các NHTW. Điều này càng làm dấy lên những suy đoán về danh tính của người mua và mục đích của họ.

Adrian Ash - trưởng bộ phận nghiên cứu tại BullionVault, một công ty giao dịch vàng, cho biết việc các NHTW "gom" vàng có thể là do bối cảnh địa chính trị trở nên bất ổn, không chắc chắn sau khi Mỹ và các đồng minh đóng băng khoản dự trữ USD của Nga.

Lần gần đây nhất thị trường vàng chứng kiến khối lượng mua lớn đến vậy đã đánh dấu một bước ngoặt mang tính lịch sử với hệ thống tiền tệ toàn cầu. Năm 1967, các NHTW ở châu Âu đã mua một lượng lớn vàng từ Mỹ, từ đó đẩy giá tăng vọt và khiến Kho Dự trữ Vàng London sụp đổ. Năm 1971, Hệ thống Bretton Woods cũng đổ vỡ.

Tháng trước, WCG ước tính các định chế tài chính chính thức của thế giới đã mua 673 tấn vàng. Chỉ riêng trong quý III, các NHTW mua gần 400 tấn vàng, khối lượng mua ròng lớn nhất trong 3 tháng kể từ mức kỷ lục theo quý ghi nhận vào năm 2000.

Trước đó, ước tính của WGC còn vượt xa báo cáo của IMF và các NHTW, ở mức 333 tấn trong 9 tháng tính đến tháng 9. Còn theo số liệu chính thức, lượng mua trong quý III được dẫn đầu bởi Thổ Nhĩ Kỳ với 31 tấn vàng, theo đó kim loại quý này chiếm tỷ trọng khoảng 29% trong tổng lượng dự trữ của nước này. Sau đó là Uzbekistan với 26 tấn, còn hồi tháng 7 Qatar mua số vàng lớn nhất theo tháng kể từ năm 1967.

Sự khác biệt giữa ước tính của WGC và số liệu được IMF công bố chính thức có thể là do một số NHTW khác như Nga, Trung Quốc và các nước khác đã mua và nắm giữ vàng mà không báo cáo bổ sung vào kho dự trữ.

 Gom hơn 670 tấn chỉ trong 1 tháng, các cá voi bí ẩn đang mua vàng với khối lượng chưa từng có trong 55 năm  - Ảnh 1.

Khối lượng vàng mua ròng của các NHTW theo quý (tấn).

Đầu tháng này, PBOC cho biết ngân hàng này đã tăng lượng nắm giữ vàng lần đầu tiên kể từ năm 2019 vào tháng 11, mua thêm 32 tấn vàng trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành vàng cho biết Trung Quốc có thể đã mua lượng vàng lớn hơn.

Mark Bristow, CEO của Barrick Gold, công ty khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới, cho biết Trung Quốc đã mua khoảng 200 tấn vàng theo cuộc thảo luận của ông với nhiều nguồn tin khác nhau.

Nicky Shiels - chiến lược gia về kim loại tại MKS PAMP, công ty giao dịch kim loại quý, nhận định giá vàng đạt đỉnh thấp hơn khoảng 75 USD vào tháng 11 nếu PBOC chỉ mua 32 tấn vàng. Trong khi đó, giá vàng hồi tháng 11 giao dịch ở mức 1.787 USD/ounce và từ đó đã lên 1.800 USD.

Đối với Nga, các biện pháp trừng phạt đã gây ra những vấn đề đáng lo ngại với ngành khai thác vàng của nước này - có sản lượng lớn nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc, đối với việc bán ra nước ngoài. Theo MKS PAMP, Nga sản xuất khoảng 300 tấn vàng mỗi năm nhưng thị trường nội địa chỉ có 50 tấn.

Tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh

Ngoài ra, chính phủ các nước phương Tây đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga khi áp dụng các biện pháp trừng phạt. Shiels nhận định, động thái này cũng khiến các quốc gia khác đặt câu hỏi rằng liệu họ có cần nắm giữ nhiều USD đến vậy hay không và không biết khi nào Mỹ cùng các đồng minh sẽ "tịch thu" số tiền đó.

Giovanni Staunovo - nhà phân tích về hàng hoá tại UBS, cho biết: "Do hoạt động xuất khẩu bị hạn chế nên có thể NHTW Nga đã ‘gom’ rất nhiều vàng."

NHTW Nga đã ngừng báo cáo số liệu hàng tháng về kho dự trữ của mình ngay sau khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra. Trong khi đó, các quan chức của ngân hàng này lại bác bỏ lời đồn đoán về việc họ mua vàng. Mới đây, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cho biết: "Dự trữ vàng và ngoại hối của chúng tôi vẫn ổn định. Chúng tôi không có nhiệm vụ là tích luỹ thêm vàng và dự trữ ngoại hối."

Tuy nhiên, giới chức CBR từ lâu đã tập trung vào việc tăng dự trữ vàng làm giá trị chiến lược. Năm 2006, NHTW Nga cho biết họ muốn vàng chiếm tỷ trọng 20-25% kho dự trữ. Tháng 2/2022, lần gần đây nhất họ công bố số liệu, vàng đã chiếm 20,9%.

Theo Julius Baer, một ngân hàng tư nhân Thuỵ Sĩ, nước này đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ từ 150 tỷ USD vào năm 2012 xuống còn 2 tỷ USD, đồng thời tăng dự trữ vàng thêm hơn 1.350 tấn trị giá gần 80 tỷ USD theo giá giao dịch ở thời điểm hiện tại.

Carsten Menke - trưởng bộ phận nghiên cứu thế hệ sau tại Julius Baer, nhận định việc Nga và Trung Quốc mua vàng cho thấy họ ngày càng muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.

Một số chuyên gia trong ngành thì suy đoán rằng các chính phủ Trung Đông đang sử dụng doanh thu kiếm được từ hoạt động xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch để mua vàng, có thể là thông qua các quỹ đầu tư quốc gia.

Những tháng tới sẽ là thời điểm thị trường hiểu thêm về việc liệu lượng mua vàng kỷ lục có phải là động thái tận dụng cơ hội giá xuống hay là thay đổi mang tính cơ cấu.

Ngay cả khi giá vàng đã phục hồi lên khoảng 1.800 USD/ounce, rất ít người khẳng định rằng xu hướng đa dạng hoá dự trữ của NHTW sẽ sớm thay đổi.

Bernard Dahdah - nhà phân tích cấp cao về hàng hoá tại Natixis - ngân hàng đầu tư của Pháp, nhận định xu hướng phi toàn cầu hoá và căng thẳng địa chính trị đã thúc đẩy các nước bên ngoài phương Tây đa dạng hoá, tách dần khỏi đồng USD. Theo ông, xu hướng này sẽ duy trì trong ít nhất 1 thập kỷ.

Tham khảo FT

Link nội dung: https://tintuc365.net/gom-hon-670-tan-chi-trong-1-thang-cac-ca-voi-bi-an-dang-mua-vang-voi-khoi-luong-chua-tung-co-trong-55-nam-a1251.html