Nhìn lại năm 2022 của tỷ phú Việt

2022 là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách những tỷ phú USD của Forbes nhưng cũng ghi nhận sự biến động lớn nhất tài sản của các tỷ phú.

Đầu tháng 4/2022, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện 7 đại diện trong số 2.668 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Tại thời điểm công bố, danh sách này có Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Tính đến ngày 11/3 - tức thời điểm Forbes chốt số liệu tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỉ giá hối đoái, 7 tỷ phú Việt Nam nắm giữ khoảng 21,2 tỷ USD.

Theo đó, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng có khối tài sản theo tính toán của Forbes là 6,2 tỷ USD, giàu thứ 411 trên thế giới. Tỷ phú Trần Đình Long với khối tài sản đạt 3,2 tỷ USD xếp thứ 951 trong danh sách. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người giàu thứ 3 tại Việt Nam và xếp thứ 984 trên thế giới với khối tài sản 3,1 tỷ USD.

Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lần đầu xuất hiện trong danh sách của Forbes, với 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.053 thế giới. Ông Hồ Hùng Anh có khối tài sản đạt 2,3 tỷ USD xếp thứ 1341. Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách với 1,9 tỷ USD. Còn ông Trần Bá Dương và gia đình có khối tài sản đạt 1,6 tỷ USD.

Hồ sơ doanh nghiệp - Nhìn lại năm 2022 của tỷ phú Việt

So với thời điểm Forbes công bố, tổng tài sản của các tỷ phú Việt hiện “bốc hơi” 8,6 tỷ USD tại ngày 22/12/2022.

Tuy nhiên, kể từ giai đoạn cuối tháng 4 đến tháng 11/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động trồi sụt với nhiều phiên giảm điểm mạnh và kéo dài, chỉ số VN-Index lùi về mức thấp nhất của năm tại 911,90 điểm phiên 15/11, thanh khoản suy yếu mạnh. Dưới đà giảm chung của thị trường chứng khoán, khối tài sản của các tỷ phú Việt cũng sụt giảm từ vài trăm triệu tới hàng tỷ USD.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn giữ ngôi vương

Theo dữ liệu tổng hợp từ Forbes, tại ngày 22/12/2022, ông Phạm Nhật Vượng chứng kiến mức sụt giảm tài sản ròng lớn nhất, khoảng 2,1 tỷ USD. Hiện ông Vượng đang nắm giữ 4,1 tỷ USD, thứ hạng cũng lùi về vị trí 658 - giảm 247 bậc so với thời điểm công bố hồi tháng 4/2022.

Trên thị trường chứng khoán, một trong những cổ phiếu “họ Vin” tiêu biểu là Vingroup (mã: VIC) đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12 ở mức 55.000 đồng/cổ phiếu. So với thị giá cổ phiếu thời điểm ngày 11/3 (79.000 đồng/cổ phiếu), giá cổ phiếu VIC đã giảm gần 30%.

Là nhà phát triển lớn nhất thị trường, năm 2022 chứng kiến sự đột phá trong lĩnh vực sản xuất của Vingroup khi Tập đoàn này tập trung cao độ cho VinFast, ra mắt nhiều dòng xe điện mới. Dấu mốc ngày 25/22 vừa qua, VinFast chính thức xuất khẩu lô xe ô tô điện đầu tiên 999 chiếc sang thị trường Mỹ.

Vua thép “đòi lại” danh xưng tỷ phú

Lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes hồi năm 2018, năm 2022 là giai đoạn giá trị tài sản của ông Long lập đỉnh. Song, việc tài sản ròng bị điều chỉnh liên tục khiến thứ hạng của vị tỷ phú ngành thép bị tụt giảm. Trong nhóm tỷ phú Việt, tài sản của Chủ tịch Hoà Phát cũng có tỉ lệ thiệt hại lớn, khoảng 55%.

Tại thời điểm ngày 11/11, ông Long rời khỏi danh sách tỷ phú USD khi tài sản về dưới 1 tỷ USD trong bối cảnh cổ phiếu HPG của Hoà Phát liên tục bị bán tháo trên sàn chứng khoán. Diễn biến cổ phiếu HPG của “vua thép” thời điểm đó giao dịch ở mức đáy từ tháng 7/2020 (12.100 đồng/cổ phiếu) khi ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Song, với 3 phiên tăng liên tiếp từ ngày 24/11-28/11, HPG đã lấy lại được 2.550 đồng thị giá tương ứng hồi phục 18,48%. So với đáy, HPG đã tăng 35,12% tương ứng 4.250 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện thị giá HPG vẫn cách rất xa so với đỉnh giá vào hồi tháng 3, sụt giảm gần 58%.

Nhờ sự hồi phục của cổ phiếu, ông Trần Đình Long cũng xuất hiện trở lại trong danh sách tỷ phú USD do Forbes thống kê. Tại ngày 22/12, tài sản của ông Long ở mức 1,6 tỷ USD – giảm một nửa so với con số 3,2 tỷ USD hồi tháng 4, hiện xếp hạng 1.783 trên thế giới, rơi 832 bậc.

Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Cùng với vợ là bà Vũ Thị Hiền và người thân, ông Long hiện liên quan tới khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn nhà sản xuất thép này.

Ông Bùi Thành Nhơn rời khỏi danh sách

Trong 7 cái tên được Forbes công bố, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lần đầu xuất hiện trong danh sách năm nay, đứng thứ 1.053 thế giới với khối tài sản 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Bùi Thành Nhơn đã rời khỏi danh sách tỷ phú sau 7 tháng công bố khi tài sản giảm xuống dưới 1 tỷ USD vào hồi tháng 11/2022.

Đây cũng là thời điểm cổ phiếu cổ phiếu NVL của Novaland liên tục giảm sàn. Cụ thể, trong giai đoạn 3 - 9/11, cổ phiếu NVL đã có 5 phiên giảm sàn liên tiếp, ảnh hưởng đến tài sản ròng của vị tỷ phú này.

Theo lý giải gửi Ủy ban Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), Novaland cho biết việc giá cổ phiếu giảm do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô.

Tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cũng ghi nhận khối tài sản sụt giảm đáng kể.

Theo đó, tài sản của ông Hồ Hùng Anh giảm 700 triệu USD về mức 1,6 tỷ USD, xếp hạng thứ 1.736 trên thế giới, còn ông Nguyễn Đăng Quang giảm 500 triệu USD về mức 1,4 tỷ USD, xếp hạng 1.947. Diễn biến này cũng đến từ nhịp giảm của thị trường chứng khoán và cổ phiếu TCB hay MSN không nằm ngoài làn sóng chung.

Cổ phiếu doanh nghiệp đại diện của 2 tỷ phú có diễn biến lần lượt là Techcombank (mã: TCB) giảm từ 48.900 đồng/cổ phiếu xuống 27.700 đồng/cổ phiếu, giảm 43,3%; Masan (mã: MSN) giảm từ mốc 117.930 đồng/cổ phiếu xuống mốc 94.400 đồng/cổ phiếu, giảm 19%.

Ông Quang và ông Hùng Anh là 2 tỷ phú có mối liên hệ với nhau và nguồn gốc tài sản cùng đến từ khối cổ phần tại hai doanh nghiệp trong top vốn hóa sàn chứng khoán là Techcombank và Masan.

Xét về hoạt động kinh doanh, Techcombank vẫn thắng lớn với mức lợi nhuận 6.715 tỷ đồng trước thuế, tăng 21% so với cùng kỳ tại thời điểm quý III/2022 - kết quả này đưa nhà băng này vào top 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất trên sàn chứng khoán. Trái ngược, khối công ty sản xuất và bán lẻ lại có một quý kinh doanh khá tiêu cực, lợi nhuận của Masan Group giảm phân nửa còn 909 tỷ đồng.

Nữ tỷ phú duy nhất giảm 700 triệu USD

Trong danh sách, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam và đây cũng là lần thứ 6 bà ghi tên trong danh sách. Tương tự các tỷ phú khác, khối tài sản của bà Thảo cũng theo đà sụt giảm, từ 3,1 tỷ USD giảm còn 2,4 tỷ USD tại thời điểm ngày 22/12. Với tài sản này, nữ tỷ phú 52 tuổi xếp thứ 1.251 trong bảng xếp hạng danh sách tỷ USD thế giới, tụt 267 bậc.

Theo đà chung, cổ phiếu VJC của Vietjet Air giảm từ 138.500 đồng/cổ phiếu xuống 111.300 đồng/cổ phiếu, giảm 19,6%.

Song, năm 2022 là năm đánh dấu mốc sau gần 2 năm đóng cửa bầu trời, từ 15/2, Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế và cởi bỏ nhiều quy định phòng chống Covid-19.

Với ngành hàng không, đây là tin tích cực nhất kể từ đầu năm. Kết quả quý III/2022 cũng ghi nhận doanh thu của hãng hàng không này tăng gấp 4,4 lần so với cùng kỳ 2021, ở mức 11.600 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn âm tới 767 tỷ đồng.

Ông Trần Bá Dương biến động “khiêm tốn”

Là doanh nghiệp chưa niêm yết, biến động tài sản của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương ít hơn. Theo đó, tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình chỉ giảm 0,1 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại 6,25%. Chủ tịch Thaco và gia đình vẫn nắm khoảng 1,5 tỷ USD, ngang mức hồi năm 2020.

Ông Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018. Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) do ông Dương thành lập, ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt.

Link nội dung: https://tintuc365.net/nhin-lai-nam-2022-cua-ty-phu-viet-a1384.html