Theo khoản 5 Điều 60 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025), Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải được đào tạo bằng hình thức đào tạo nâng hạng theo các điều kiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Như vậy, có 10 hạng giấy phép lái xe phải thi nâng hạng từ thời điểm Luật có hiệu lực từ 1/1/2025, gồm: C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE.
Còn theo khoản 3 Điều luật này, việc đào tạo để nâng hạng Giấy phép lái xe (GPLX) thực hiện với những đối tượng sau:
Nâng hạng GPLX từ hạng B lên hạng C1 hoặc lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2;
Nâng hạng GPLX từ hạng C1 lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2;
Nâng hạng GPLX từ hạng C lên hạng D1 hoặc lên hạng D2 hoặc lên hạng D;
Nâng hạng GPLX từ hạng D1 lên hạng D2 hoặc lên hạng D;
Nâng hạng GPLX từ hạng D2 lên hạng D;
Nâng hạng GPLX từ hạng B lên hạng BE, từ hạng C1 lên hạng C1E, từ hạng C lên hạng CE, từ hạng D1 lên hạng D1E, từ hạng D2 lên hạng D2E, từ hạng D lên hạng DE.
Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX khi GPLX còn hiệu lực, phải có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe.
Đối với việc nâng hạng GPLX lên hạng D1, D2, D thì người có nhu cầu được đào tạo còn phải có trình độ từ trung học cơ sở trở lên.
Về các loại bằng lái xe, theo Điều 57 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sẽ có 15 hạng giấy phép lái xe gồm: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E và D2E.
Các hạng giấy phép lái xe mô tô
Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW.
Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.
Các hạng giấy phép lái xe ô tô
Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg.
Giấy phép lái xe hạng C trước đây dành cho lái xe tải từ 3.500kg trở lên được tách thành C1 (dành cho lái xe 3.500kg -7.500kg) và C (trên 7.500kg).
Cụ thể, hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B.
Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B và hạng C1.
Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C.
Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1.
Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2.
Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.
Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.
Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ-moóc.
Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.
Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.
Hạng DE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg; xe ô tô chở khách nối toa.
Người khuyết tật điều khiển xe ô tô được cấp giấy phép lái xe hạng B để lái xe ô tô số tự động có cơ cấu phù hợp với tình trạng khuyết tật.
Người điều khiển xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ phải có giấy phép lái xe ô tô; hạng giấy phép lái xe được tính theo quy định đối với xe ô tô tải và ô tô chở người.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://tintuc365.net/nhung-hang-giay-phep-lai-xe-phai-thi-nang-hang-tu-112025-ai-cung-nen-biet-a140104.html