Quán ăn gây tranh cãi có tên Debu-chan toạ lạc ở khu phố Takadanobaba thuộc thủ đô Tokyo. Nơi đây có biệt danh "chiến trường ramen" vì quy tụ nhiều quán mì ramen với lượng khách đến thưởng thức đông tấp nập bất kể ngày đêm.
Kênh CNN mô tả dù phải chịu áp lực cạnh tranh với nhiều đối thủ kinh doanh khác nhưng quán Debu-chan vẫn ban hành một quy định khá đặc biệt đối với khách hàng. Theo đó, quán cấm tất cả các thực khách của mình vừa ăn mì ramen vừa sử dụng điện thoại thông minh (smartphone).
Giải thích cho lệnh cấm đặc biệt của quán mì Debu-chan, chủ sở hữu Kota Kai đã đưa ra 2 lý do.
"Việc nhiều thực khách vừa ăn vừa sử dụng điện thoại khiến họ mất tập trung và không thưởng thức được vị ngon của món mì, đồng thời sẽ khiến món mì bị sũng nước và làm giảm vị ngon nếu không ăn nhanh. Tôi cảm thấy rất đau lòng khi chứng kiến món ramen mà mình đã tạo ra với tất cả tâm huyết lại bị hủy hoại ngay trước mắt mình" - anh Kota Kai lý giải.
Debu-chan là một quán mì nổi tiếng nên thường xuyên kín chỗ và lượng người phải xếp hàng chờ bên ngoài cửa hàng cũng rất đông.
Chủ sở hữu vì thế tin rằng việc cấm sử dụng smartphone khi ăn sẽ rút ngắn thời gian thực khách ngồi tại quán, đỡ cho những người đang phải đứng chờ.
"Thật khó chịu cho những ai phải đứng chờ bên ngoài quán để có chỗ ngồi, trong khi những người ở bên trong lại vừa ăn vừa sử dụng smartphone. Tôi muốn mọi người tập trung vào bữa ăn và sẽ rời đi nhanh chóng để nhường chỗ cho những người khác" - chủ quán mì nhấn mạnh lý do thứ hai ban hành điều cấm.
Một số nhà hàng cấm nói chuyện điện thoại vì điều đó làm phiền khách hàng nhưng quán mì Debu-chan còn cấm thực khách sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh minh họa Insidehook.
Lệnh cấm của quán Debu-chan đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng tại Nhật Bản.
Nhiều người đã lên tiếng ủng hộ lệnh cấm của quán Debu-chan bởi theo chuẩn mực xã hội tại Nhật, các món ăn và đầu bếp chế biến ra chúng đều rất được coi trọng.
"Thực khách cần tập trung tối đa khi ăn để có thể tận hưởng vị ngon của món ăn, đồng thời thể hiện sự tôn trọng với đầu bếp làm ra món ăn đó" - một người bình luận.
Số đông còn cho rằng việc rời khỏi quán sau khi ăn xong để nhường chỗ cho những người khác được xem là một cách cư xử đúng mực, đặc biệt trong giờ ăn trưa hoặc ăn tối vội vã ở các thành phố đông đúc và tấp nập như Tokyo.
Dẫu vậy, vẫn có một vài ý kiến cho rằng đây chỉ là một món ăn bình dân, việc vừa ăn mì ramen vừa sử dụng smartphone hay đọc truyện tranh là điều hoàn toàn bình thường.
"Vừa thưởng thức mì ramen vừa đọc truyện tranh hay lướt web bằng smartphone tạo cảm giác ngon miệng hơn" - một cư dân mạng nói và thêm rằng tại một số cửa hàng ramen ở Nhật Bản còn để sẵn các chồng truyện tranh hoặc TV để thực khách vừa ăn vừa thư giãn.
Thậm chí, có bình luận còn cho rằng việc quán Debu-chan cấm xem smartphone khi ăn mì ramen "không hợp lý và xâm phạm quyền cá nhân của mỗi người".
Trước những ý kiến trái chiều đó, chủ sở hữu Kota Kai vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm về lệnh cấm.
"Mỗi người có một cách thưởng thức bữa ăn khác nhau nhưng nhà hàng không phải là nhà của họ. Bạn vẫn có thể sử dụng smartphone để chụp ảnh món mì ramen đã gọi nhưng muốn vừa ăn vừa xem smartphone thì bạn cần phải mang món mì ra khỏi cửa hàng của tôi" - ông chủ Kota Kai chốt lại.
Link nội dung: https://tintuc365.net/quan-mi-gay-tranh-cai-vi-cam-khach-vua-an-vua-xem-dien-thoai-a19957.html