Hình thành các vùng động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm khắc phục tình trạng chia cắt theo địa giới hành chính, đầu tư phát triển dàn trải, chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD

Sáng 5/1, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD.

Để hiện thực được mục tiêu trên, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định nguyên tắc không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, việc phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động "bình thường" của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung hình thành hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước. Về hạ tầng, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc - Nam, các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị; các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, các cảng hàng không quốc tế lớn.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia đề xuất lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia như: Vùng động lực phía Bắc, Vùng động lực phía Nam, Vùng động lực miền Trung, Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long và từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).

Làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh

Cùng ngày, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, như về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo; quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân… Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (Điều 108), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ về cơ chế tự chủ của các bệnh viện; ý kiến khác đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ đã có báo cáo rà soát và nêu cụ thể những vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách về tự chủ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tham khảo quy định về tự chủ của các luật có liên quan, để góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, dự thảo luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại Điều 108 của dự thảo luật. Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường này.

Link nội dung: https://tintuc365.net/hinh-thanh-cac-vung-dong-luc-dan-dat-tang-truong-kinh-te-a2112.html