Khoản vay nợ 8.000 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai có gì?

Hoàng Anh Gia Lai đang từng bước trên lộ trình hiện thực hóa lời khẳng định “xóa hết nợ ngân hàng” vào năm 2024-2025 của bầu Đức.

Với tình hình kinh doanh và dòng tiền được cải thiện nhờ chiến lược "một cây một con", Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) từng tuyên bố sẽ xoá hết nợ ngân hàng trong năm 2024-2025. Thực tế, trong lộ trình trả nợ này của mình, nợ ngân hàng của HAGL đã giảm từ 28.000 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 8.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2022.

Dòng tiền tích cực từ “heo ăn chuối”

Nhìn lại cơ cấu nợ của Hoàng Anh Gia Lai, tính đến cuối tháng 9/2022, công ty này có đến hơn 68% là dư nợ trái phiếu.

Cụ thể, trên thị trường, HAGL đã phát hành 3 lô trái phiếu, trong đó lô trái phiếu có hạn mức lớn nhất là HAGLBOND16.26 do HAGL phát hành ngày 30/12/2016, kỳ hạn 10 năm. Điều này khác hẳn với các lô trái phiếu thường bị nhà đầu tư e ngại thời gian gần đây của các DN bất động sản với thời gian gian đáo hạn chỉ 3-5 năm. Trái chủ của số trái phiếu trên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Giá trị phát hành của lô trái phiếu là 6.600 tỷ đồng, hiện đang lưu hành 5.876 tỷ đồng, thời gian đáo hạn vào 5 năm nữa, tức cuối năm 2026. Khoản vay này nhằm mục đích bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của tập đoàn.

Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là quyền sử dụng đất tại một loạt các bất động sản là diện tích trồng cao su tại Lào và Campuchia; gần 45 triệu cổ phiếu HAG do bầu Đức nắm giữ. Đồng thời, là khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL và 13 triệu cổ phiếu HNG cùng một số tài sản khác.

Hồ sơ doanh nghiệp - Khoản vay nợ 8.000 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai có gì?

Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức trong chuyến dẫn cổ đông lớn đi tham quan dự án của tập đoàn tại Việt Nam, Lào, Campuchia mới đây

Liên quan đến lô trái phiếu này, ngày 30/12/2022, Hoàng Anh Gia Lai đã có thông báo lùi thời gian thanh toán nợ cho ngân hàng sang quý 2/2023. Nguyên nhân HAG cho biết do chậm nguồn tiền thanh toán từ phía HAGL Agrico (HNG).

Về phía HAGL, bầu Đức từng nói: “Nếu trong 4 tháng cuối năm, HAGL thu được hết khoản nợ từ HNG thì nợ ngân hàng sẽ giảm xuống dưới 6.000 tỷ đồng”. 

Tháng 8/2022, Hoàng Anh Gia Lai cũng có động thái minh bạch thông tin về tình hình hoạt động, vay nợ, mối quan hệ giữa ngân hàng cùng công ty liên quan là HAGL Agrico như công bố doanh thu, lợi nhuận thường xuyên, liên tục, khoản nợ và tài sản đảm bảo tại ngân hàng - điều mà rất hiếm doanh nghiệp nào trên thị trường thực hiện được.

Trong năm 2022, tình hình kinh doanh của HAGL liên tục khởi sắc với những tín hiệu tích cực. Cụ thể, theo thông báo mới đây của công ty, HAGL chắc chắn đã vượt qua kế hoạch đã đề ra trước đó. Nếu theo đúng vậy doanh thu tối thiểu của công ty đạt 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sẽ đạt hơn 1.120 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên trong 8 năm qua HAGL chạm mức đỉnh cao lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng. 

Sâu thêm về tình hình tài chính, doanh nghiệp của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã không ngừng cải thiện đòn bẩy tài chính của mình. Thể hiện rõ nhất qua dư nợ đang dần được thu hẹp, từ mức hơn 23.000 tỷ đồng vào năm 2019 xuống chỉ còn hơn 8.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2022.

Đặc biết, nếu HAGL thu được hết khoản nợ từ HNG thì nợ ngân hàng sẽ giảm xuống dưới 6.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của HAGL đang ở mức gần 20.000 tỷ đồng - một tỉ lệ được đánh giá là an toàn hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành nông nghiệp, chăn nuôi.

Sự vực dậy này đều nhờ bầu Đức tìm ra lối đi mới cho HAGL thông qua việc chuyển hướng kinh doanh đánh dấu chiến lược “một cây một con” (cây chuối, con heo) và thương hiệu “heo ăn chuối” Bapi.

Khoản nợ của các doanh nghiệp cùng ngành

Cùng thị phần của Hoàng Anh Gia Lai là các doanh nghiệp lớn trong mảng chăn nuôi như Masan, Dabaco,…

Đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp phân phối thịt lợn là Tập đoàn Masan (HoSE: MSN). Xét cơ cấu tài sản của Masan cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này giảm đến 73% so với đầu năm, đồng thời cơ cấu nguồn vốn chuyển dần từ nợ dài hạn sang nợ ngắn hạn, gây áp lực tài chính lên doanh thu và lợi nhuận. 

Dư nợ của Masan tính đến cuối quý III/2022 đạt 92.830 tỷ đồng trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và trái phiếu hơn 40.100 tỷ đồng và  dư vay nợ thuê tài chính và vay trái phiếu dài hạn gần 20.800 tỷ đồng.

Trong số nợ vay trái phiếu dài hạn có hơn 15.100 tỷ đồng là vay trái phiếu không có tài sản đảm bảo và hơn 18.770 tỷ đồng là vay trái phiếu có tài sản đảm bảo.

Với tình hình tài chính như trên, Masan cũng thuộc top những doanh nghiệp mang trong mình “gánh nặng” nợ vay với tỉ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức hơn 72%.

Đứng chung thị phần với ngành chăn nuôi thịt lợn với HAGL là Tập đoàn Dabaco (HoSE; DBC). Nợ vay cũng là gánh nặng mà doanh nghiệp này cần đối mặt.

Theo đó, tổng tài sản của Dabaco tính đến cuối tháng 9/2022 đạt hơn 11.314 tỷ đồng. Nợ phải trả đạt 6.448 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, nợ vay ngắn hạn tăng 29,6% lên 3.368 tỷ đồng, nợ vay dài hạn tăng 15,6% lên 794 tỷ đồng.

Với khoản vay trên, Dabaco cũng chịu sức ép tài chính với tỉ lệ vay nợ của Dabaco chiếm gần 57% cơ cấu tổng tài sản của công ty tính đến hết quý III/2022.

Một doanh nghiệp khác trong nhóm kinh doanh chăn nuôi thịt lợn là Tập đoàn BAF (HoSE: BAF). Tung ra thị trường sản phẩm heo ăn chay ngay sau khi Hoàng Anh Gia Lai công bố thương hiệu heo ăn chuối, BAF được xem như một đối thủ cạnh tranh lớn trong thị phần thịt mát năm 2022. 

Xét về tình hình tài chính của công ty, nợ phải trả của tập đoàn tính đến 30/9 là 3.378 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn là 5.119 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn của tập đoàn này 65%.

“Khoản nợ 8.000 tỷ đồng là bình thường”

Trao đổi với Người Đưa Tin trước thông tin về tình hình nợ vay của HAGL, chuyên gia kinh tế, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Các món nợ của doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân có nhiều vấn đề cần phải nói đến. Đặc biệt thời gian vừa qua doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phát hành trái phiếu”. 

Về những e ngại của nhà đầu tư với các thông tin về trái phiếu doanh nghiệp gần đây, ông Thịnh cho rằng các doanh nghiệp có thể tiếp tục phát hành trái phiếu để đảo nợ, trả nợ cũ và tiếp tục đảm bảo sản xuất kinh doanh. 

Thực tế, với một số doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi thì cần có những đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trái phiếu phát hành tại Việt Nam trong thời gian qua đa phần là ngắn hạn, chỉ 2-3 năm. Chính vì vậy, khi đầu tư chưa kết thúc một chu kỳ, doanh nghiệp có thể gặp phải một số khó khăn trong quá trình hoạt động. 

Đồng thời, thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã chững lại, các nhà đầu tư cũng “dè chừng". Trước bối cảnh đó, Hoàng Anh Gia Lai nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung hoàn toàn có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ. Tuy nhiên,  khác với các lô trái phiếu thông thường, lô trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai phát hành có kỳ hạn 10 năm và sẽ đáo hạn trong vòng 5 năm nữa

Chính vì vậy PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng khoản nợ hơn 8.000 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai nói chung cũng như khoản nợ trong lô trái phiếu của doanh nghiệp này nói riêng là hoàn toàn bình thường. Quan trọng chuyên gia này nhấn mạnh là mục đích của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu để vay nợ của doanh nghiệp và chất lượng của tài sản đảm bảo cũng như khả năng hoàn trả vốn của doanh nghiệp.

Link nội dung: https://tintuc365.net/khoan-vay-no-8000-ty-dong-cua-hoang-anh-gia-lai-co-gi-a2183.html