Bùng nổ không bền vững, xe điện đang lao vào ‘ngõ cụt’?

Nhà sản xuất Australia cho biết phương Tây đã khá chậm chạp trong việc phát triển chuỗi cung ứng mạnh mẽ cho sản xuất pin xe điện.

Các nhà sản xuất pin đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lithium trầm trọng. Điều đó cho thấy sự cần thiết của việc thách thức ưu thế của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng nguyên liệu thô.

Stuart Crow, chủ tịch của công ty phát triển lithium Lake Resources, cho biết các công ty và chính phủ phương Tây đã thất bại trong việc xây dựng chuỗi cung ứng thích hợp cho lithium. Sự bùng nổ đột ngột trong sản xuất xe điện trở nên không bền vững.

Ông nói: "Đơn giản là sẽ không có đủ lithium trên bề mặt hành tinh, cho dù là người mở rộng hay người phân phối, chỉ là không còn lithium để khai thác".

Pin lithium-ion đóng một vai trò quan trọng đối với các chính phủ, những người hy vọng khử carbon nền kinh tế của họ. Phương Tây cũng đang nỗ lực nới lỏng thế nắm giữ của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất của nước này nói riêng. Sự gián đoạn từ cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh nguồn cung.

 Bùng nổ không bền vững, xe điện đang lao vào ‘ngõ cụt’?  - Ảnh 1.

Crow cho biết: "Hiện tại, Trung Quốc cơ bản sở hữu 70-80% toàn bộ chuỗi cung ứng cho xe điện và pin lithium-ion, và đó là khả năng lưu trữ năng lượng. Phương Tây đã rất chậm chạp trong việc áp dụng chiến lược cố gắng hỗ trợ và đảm bảo chuỗi cung ứng".

Daniel Morgan, một nhà phân tích khai thác tại ngân hàng đầu tư Barrenjoey, cho biết: "Mục tiêu sản xuất xe điện của các nhà sản xuất ô tô hoặc chính phủ không thể đạt được. Họ có một niềm yêu thích trong việc quăng ra những mục tiêu to lớn, nhưng khi đưa ý tưởng vào thực hiện thì điều đó sẽ không xảy ra".

Lake Resources, niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Australia, đang phát triển một nhà máy sản xuất lithium ở Argentina. Tại đó, công ty sẽ sử dụng công nghệ được phát triển bởi công ty Lilac Solutions của Mỹ do Bill Gates hậu thuẫn, để chiết xuất lithium trực tiếp từ nước muối, thay vì thông qua phương pháp bay hơi phổ biến.

Công ty có kế hoạch sản xuất 50.000 tấn lithium cacbonat mỗi năm vào năm 2025 và tập trung vào việc xây dựng chuỗi cung ứng vượt qua Trung Quốc.

Mặc dù được thành lập từ năm 2015, bản thân nhà máy của Lake Resources ở Argentina vẫn chưa sản xuất được tấn lithium nào. Crow nói rằng đó là hậu quả của thời gian phát triển các dự án lithium, điều mà các nhà sản xuất ô tô không tính đến khi thiết lập mục tiêu sản xuất xe điện.

Trong khi Mỹ muốn một nửa doanh số bán ô tô là xe điện vào năm 2030, EU đã đề xuất cấm bán ô tô động cơ đốt trong hoàn toàn vào năm 2035. Các thương hiệu lớn bao gồm Volkswagen, Ford, Stellantis, General Motors và Toyota đều đã công bố các mục tiêu đầy tham vọng để tăng sản xuất xe điện và loại bỏ dần ô tô chạy xăng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính doanh số bán xe điện toàn cầu phải đạt 47 triệu mỗi năm vào năm 2030 để đảm bảo lượng khí thải giao thông phù hợp với "kịch bản phát triển bền vững". Điều này sẽ giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C, phù hợp với Hiệp định khí hậu Paris.

Tập đoàn khai thác Rio Tinto dự đoán nhu cầu đối với lithium sẽ tăng 25-35% mỗi năm trong thập kỷ tới.

Daniel Morgan của Barrenjoey cho biết doanh số 28 triệu xe điện vào năm 2030 là một dự báo thực tế hơn. Nhưng ngay cả điều đó cũng không khả thi với các dự án lithium đã được công bố hiện tại. Quả vậy, mục tiêu đó sẽ yêu cầu sản xuất lithium tăng gấp 6 lần từ nay đến năm 2030.

"Còn 8 năm nữa là đến năm 2030. Chúng ta cần bắt đầu nghe về các dự án mới ngay bây giờ. Đó là thời điểm tuyệt vời để trở thành một nhà khai thác", Morgan nói.

Nguồn: FT

Link nội dung: https://tintuc365.net/bung-no-khong-ben-vung-xe-dien-dang-lao-vao-ngo-cut-a250.html