Theo báo cáo của nhà tâm lý học Rick Hanson, thành viên cấp cao của Trung tâm Khoa học Greater Good tại UC Berkeley, bộ não con người được lập trình sẵn cho sự tiêu cực. Đó là một vấn đề, bởi sự tiêu cực là một rào cản trên con đường thành công.
Nếu bạn là một doanh nhân, gần như chắc chắn bạn không thể làm giàu nếu cứ duy trì suy nghĩ tiêu cực. Trên thực tế, nghĩ tính cực rất quan trọng để thành công, nó là một trong những thói quen làm giàu phổ biến của các triệu phú tự thân. Tom Corley đã dành 5 năm để nghiên cứu những thói quen tốt và xấu của 177 triệu phú tự thân.
Tom Corley. Ảnh: ST
Ông nhận thấy rằng 79% người giàu trước khi giàu có đều tin rằng họ sẽ làm nên những thành tựu. Hơn một nửa, 54% người giàu cho rằng sự lạc quan là yếu tố quan trọng giúp họ thành công trong cuộc sống và gần ¾, tương đương 71% hình thành thói quen tìm kiếm những điều để biết ơn trong cuộc sống.
Vào năm 1998 và 2000, Nghiên cứu Xây dựng & Mở rộng mang tính bước ngoặt của BL Frederickson đã phát hiện ra rằng tính tích cực làm tăng sự tập trung, khả năng nhận thức và khả năng chấp nhận rủi ro.
Vì sao tiêu cực có thể “giết chết” thành công?
1. Sự tiêu cực ngăn chặn vỏ não trước trán của bạn, vùng này rất quan trọng với sự sáng tạo và trong việc đưa ra quyết định cũng như nhìn ra giải pháp.
2. Sự tiêu cực tạo ra căng thẳng mãn tính, gây viêm khắp cơ thể và có thể dẫn đến bệnh tật. Khi bạn phải chiến đấu với các vấn đề sức khỏe, thật khó để tập trung vào bất cứ điều gì chứ đừng nói đến việc theo đuổi thành công.
3. Sự tiêu cực có thể khiến bạn trở thành một người độc hại. Điều này ngăn cản cơ hội kết giao của bạn với những người thành công, bởi họ coi sự bi quan là một vấn đề, tránh làm ăn và có những mối quan hệ hợp tác lâu dài với bạn.
Barbara Corcoran, nhà đầu tư Shark Tank, người sáng lập The Corcoran Group cho biết bà sẽ không bao giờ tuyển những người có thái độ tiêu cực vào công ty của mình.
"Mỗi khi tuyển ai đó, hay lựa chọn hợp tác với một doanh nhân trên Shark Tank, tôi thường tìm kiếm ở họ một thứ: thái độ tích cực. Tôi từng nghĩ rằng mình có thể thay đổi ai đó có thái độ tiêu cực nhưng sau đó lại phải học cách sa thải họ.
Chỉ cần một người tiêu cực trong nhóm 10 người vui vẻ hoàn toàn có thể khiến bầu không khí đi xuống, đến nỗi cả nhóm không ai nghĩ rằng họ có thể thành công", nữ doanh nhân chia sẻ.
Làm thế nào để tích cực hơn?
Tin vui là bạn hoàn toàn có thể lập trình lại tâm trí của mình để loại bỏ 100% những điều tiêu cực.
Tránh đọc quá nhiều tin tức tiêu cực: Tin tức tiêu cực đầy rẫy trên các mặt báo và thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Nhưng điều này không có nghĩa bạn phải luôn theo dõi từng tin tức như vậy. Hãy hạn chế hết mức có thể đọc hay xem những loại tin mang đến cảm xúc tiêu cực.
Tập trung vào tin tức lạc quan: Điều này sẽ làm giảm bớt sự tiêu cực và tăng cường sự tích cực bên trong hạch hạnh nhân của bạn, phần viền của não nơi giám sát nhiều cảm xúc.
Nghe nhạc nhẹ nhàng: Âm nhạc có thể làm giảm căng thẳng và làm dịu tâm trí. Nó cũng tăng cường giải phóng dopamine, một trong những chất dẫn truyền thần kinh hạnh phúc mà bộ não của chúng ta yêu thích. Đọc những cuốn sách truyền cảm hứng cũng có tác dụng tương tự.
Làm bạn/ hợp tác với những người lạc quan: Nếu các thành viên trong gia đình và bạn bè của bạn là những người bi quan, tốt hơn hết là hãy cố gắng kết giao thêm với những người luôn có năng lượng tích cực để giúp bạn cân bằng.
Thiền: Việc này có tác dụng làm giảm căng thẳng và làm dịu tâm trí.
Tập thể dục: Tập thể dục nhịp điệu giúp tăng cường dopamine và làm tăng vỏ myelin xung quanh tế bào thần kinh của bạn, cải thiện sức khỏe tế bào não và hiệu suất của não.
Bày tỏ lòng biết ơn mỗi ngày: Bắt đầu nhìn vào những thứ bạn có và bỏ qua những gì bạn thiếu. Giống như sự ghen tỵ là cánh cổng dẫn đến sự tiêu cực, thì lòng biết ơn sẽ dẫn bước bạn dẫn đến sự tích cực.