Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn.
Trong đó, tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý |
Thống đốc yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...
"Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị.
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sau đợt tăng nóng, cuộc đua lãi suất huy động bắt đầu chững lại. Động thái giảm lãi suất này diễn ra sau cuộc họp giữa các nhà băng với Hiệp hội ngân hàng (VNBA) vào tuần trước, trong bối cảnh các ngân hàng quy mô nhỏ đẩy lãi suất tiết kiệm vượt 12%/ năm.
Sau kêu gọi của NHNN và hiệp hội, đại diện các ngân hàng đồng thuận “cam kết” đưa lãi suất huy động về không quá 9,5%/ năm (tính cả khuyến mãi). Các ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (SHB), TMCP Sài gòn Công Thương (Saigonbank), TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB)... đồng loạt hạ lãi suất, cao nhất khoảng 9,5%/năm.
Ngoài động thái hạ nhiệt lãi suất huy động, sau khi được phân bổ thêm chỉ tiêu tín dụng, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) công bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vào dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 0,2% - 1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng cần vốn lưu động phục vụ kinh doanh dịp Tết 2023.
SHB cũng đưa ra chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Link nội dung: https://tintuc365.net/ngan-hang-nha-nuoc-ap-bien-phap-manh-phanh-lai-suat-dang-tang-nong-a261.html