Bộ Tài chính nói gì khi được đề xuất điều hành giá xăng dầu?

(NLĐO) - Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết việc quyết định cơ quan làm đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định khi sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu

Ngày 9-1, tại cuộc họp báo quý IV của Bộ Tài chính, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về quan điểm của bộ về việc Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết vừa qua Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, như báo chí đã đưa tin, Bộ Công Thương đã có đề xuất một số phương án, trong đó có phương án giao đầu mối quản lý về Bộ Tài chính. Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 10-2022, tham gia làm rõ một số vấn đề về công tác điều hành thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương.

Bộ Tài chính nói gì khi được đề xuất điều hành giá xăng dầu? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết về công tác quản lý, điều hành xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính cơ quan cùng tham gia, Bộ đã chủ động, trách nhiệm để tham gia việc điều hành giá có hiệu quả.

Về việc giao đầu mối cho cơ quan nào quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định. "Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao" - ông Chi cho hay.

Quan điểm của Bộ Tài chính là Bộ Công Thương điều hành đã khá tốt thị trường xăng dầu trong năm 2022. Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng việc điều hành giá đã bám sát diễn biến thị trường, nhịp nhàng, hỗ trợ cho đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

"Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu. Trong trường hợp khác đi, Bộ Tài chính chấp hành các phân công của Chính phủ" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói và nhấn mạnh cho dù giao quản lý, điều hành xăng dầu cho cơ quan nào, bộ nào thì cũng đều phải tốt lên.

Trước đó, Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án về đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu. Phương án thứ nhất, giữ nguyên như quy định hiện hành, nhiều bộ ngành cùng tham gia công tác quản lý mặt hàng này.

Bộ Công Thương nhấn mạnh phương án này đã triển khai nhiều năm qua, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ từng bộ ngành, thực hiện giám sát kiểm tra chi phí, song khi có vấn đề phát sinh lại cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành để cùng xử lý.

Phương án thứ hai, Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính đảm nhận, bởi Bộ Tài chính đảm trách toàn bộ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính nên thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn, công bố giá điều hành.

Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm, đó là việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập, khách quan trong tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu.

Phương án 3 là giao cho Bộ Công Thương làm đầu mối quản lý. Theo cơ quan này, phương án này dù đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu, nhưng lại không đảm bảo sự phù hợp, thống nhất trong phân công, thực hiện theo chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn tới chồng chéo và phát sinh thêm bộ máy.

Sau khi cân nhắc ưu nhược điểm của các phương án, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 2, là giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Link nội dung: https://tintuc365.net/bo-tai-chinh-noi-gi-khi-duoc-de-xuat-dieu-hanh-gia-xang-dau-a2725.html