Chi tiêu tiền thưởng cuối năm thế nào hợp lý: Chưa tới Tết đã hết sạch tiền thì hỏng rồi, mong gì làm nên đại sự!

Cuối năm rồi, cầm thưởng cuối năm trên tay, bạn có suy nghĩ gì?

Là một phần quan trọng trong thu nhập hàng năm của người làm công ăn lương, việc quản lý tiền thưởng cuối năm cũng cần phải có chiến lược, không được nóng vội, bốc đồng.

Tiền thưởng cuối năm thường ít nhất là một tháng lương, vậy, làm thế nào để không chỉ tận hưởng niềm hạnh phúc do tiền thưởng cuối năm mang lại, mà còn "tiêu tiền hợp lý"? Tôi có một vài gợi ý dành cho các bạn.

1. Thanh toán một phần nợ/khoản nợ thẻ tín dụng

Trước khi vung tay mua sắm, tôi khuyên bạn nên tổng kết lại các hóa đơn thẻ tín dụng và các loại hóa đơn nợ khác của cả năm, đặc biệt là phần thanh toán số tiền trả nợ tối thiểu hàng tháng. Bạn có thể sử dụng tiền thưởng cuối năm để thanh toán các hóa đơn đang tích lũy tiền lãi (nếu trả không hết thì cứ trả một phần trước).

Đối với các hóa đơn chưa thanh toán trước đó của thẻ tín dụng, tiền lãi sẽ được tính gộp theo tỷ lệ hàng ngày 5/10.000, lãi suất hàng năm vượt quá 18%. Đối với hầu hết mọi người (bao gồm cả tôi), kiếm được lợi nhuận hàng năm là 18% đều đặn thông qua đầu tư và quản lý tài chính là điều Vô! Cùng! Khó!

Hóa đơn quay vòng và trả góp trông thì có vẻ như là một gánh nặng nhỏ, nhưng tích tiểu sẽ thành đại, và chúng hoàn toàn có thể khiến bạn "làm không công" cho ngân hàng hàng tháng. Do đó, hãy tận dụng cơ hội có thêm khoản thưởng cuối năm để trả bớt một phần nợ thẻ, từ chối trở thành nô lệ của thẻ tín dụng.

Ngoài ra, nếu bạn đang có những khoản nợ cá nhân thì tốt nhất cũng nên tận dụng cơ hội được thưởng cuối năm để trả nợ, suy cho cùng "có vay có trả, vay lại mới không khó".

Chi tiêu tiền thưởng cuối năm thế nào hợp lý: Chưa tới Tết đã hết sạch tiền thì hỏng rồi, mong gì làm nên đại sự! - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

2. Tự thưởng cho bản thân và ăn mừng vì bạn đã thành công sinh tồn một cách rực rỡ thêm một năm nữa!

Có một điều mà cá nhân tôi luôn đề cao: cuộc sống vốn khó khăn, vì vậy hãy cố gắng làm cho mình hạnh phúc khi có thể. Nếu tên gọi của nó là "phần thưởng cuối năm", vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không lập tức tự thưởng cho mình!

Bạn có thể trích ra khoảng 10% -30% khoản tiền thưởng và mua cho mình một món đồ mà có thể trước đó rất muốn mua nhưng không nỡ mua để cảm ơn những cố gắng của bản thân trong một năm qua. Điều này tất nhiên phụ thuộc vào việc số tiền thưởng của bạn là bao nhiêu. Nếu tiền thưởng quá nhỏ và món quà bạn muốn quá đắt, thì... có lẽ... bạn cần phải tiết kiệm thêm vài năm nữa.

Cá nhân tôi từng có cho mình một "quỹ chi tiêu", và tôi sẽ dành phần tiền thưởng này hay các khoản thu nhập bất ngờ khác (chẳng hạn như trúng xổ số và thu nhập tay trái) hàng năm để vung tay một chút.

Dù sao đi nữa, bạn có thể mua cho mình một món đồ trang sức, một chiếc túi hàng hiệu, chuẩn bị cho một chuyến du lịch ngắn ngày, đổi một chiếc điện thoại di động mới, mua một chiếc áo khoác thật ấm áp, một bộ vest hàng hiệu, một đôi giày chạy bộ hàng hiệu hoặc đăng kí các lớp năng khiếu, mua thẻ làm đẹp, spa, gym… những thứ bạn không nỡ tiêu trong năm!

Điều quan trọng nhất là khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, dù sao thì năm sau bạn sẽ còn… vất vả dài dài!

Chi tiêu tiền thưởng cuối năm thế nào hợp lý: Chưa tới Tết đã hết sạch tiền thì hỏng rồi, mong gì làm nên đại sự! - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

3. Mua bảo hiểm cho bản thân và gia đình

Bảo hiểm là thứ càng mua sớm càng rẻ, nếu có một việc mà sớm hay muộn cũng phải làm thì tốt hơn là nên làm sớm. Hầu hết người lớn chúng ta đều là những người trên có già dưới có trẻ, vừa làm việc vừa gánh nợ nhà nợ xe nợ đất…

Mặc dù hầu hết nhân viên văn phòng đều có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cơ bản, nhưng một khi người thân hoặc bản thân bị bệnh nặng hoặc tai nạn, những bảo hiểm cơ bản này dường như chỉ như hạt muối bỏ biển. Vì vậy, việc mua bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm tai nạn cho bản thân và gia đình là điều vô cùng cần thiết.

Đối với những người lao động trẻ tuổi có khả năng tài chính eo hẹp, đề xuất của tôi là mua bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và bảo hiểm tai nạn ngoài ý muốn, bạn có thể tận dụng tiền thưởng cuối năm để làm điều đó.

Chi tiêu tiền thưởng cuối năm thế nào hợp lý: Chưa tới Tết đã hết sạch tiền thì hỏng rồi, mong gì làm nên đại sự! - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

4. Đăng ký khóa học nâng cao năng lực cạnh tranh

Cá nhân tôi không thích kiểu học hành hay làm việc theo chủ nghĩa cơ hội, khôn lỏi.

Kể từ năm ngoái, cùng với sự phát triển của ngành kinh doanh trang sức và người nổi tiếng trên Internet, tôi cảm thấy rằng những hiểu biết của mình là quá hạn hẹp. Tôi còn rất nhiều thứ không hiểu và không biết, vì vậy tôi đã lên kế hoạch lấy bằng MBA.

Nếu bạn cũng là một người có động lực làm việc hay tìm tòi và muốn phát triển, tôi khuyên bạn nên sử dụng tiền thưởng cuối năm để đăng ký một khóa học có thể cải thiện kỹ năng làm việc, nâng cao khả năng cạnh tranh tại nơi làm việc, chẳng hạn như: tiếng Anh, PPT, diễn thuyết, MBA…

Rất nhiều độc giả từng gửi cho tôi những tin nhắn với nội dung rằng: Tôi muốn phát triển một công việc kinh doanh tay trái, nhưng lại không biết gì cả, không biết bắt đầu từ đâu. Tôi muốn nói với các bạn là, cái gì cũng không biết, vậy không biết học hay sao?

Học, học nữa, học mãi, chỉ cần bạn muốn và đủ nhiệt huyết cho điều gì đó, bạn nhất định sẽ có thể làm được!

Tin tôi đi, nếu bắt đầu biết cách lên kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý ngay từ bây giờ, bạn của 5 năm sau nhất định sẽ cảm ơn bạn của hiện tại rất nhiều!

Link nội dung: https://tintuc365.net/chi-tieu-tien-thuong-cuoi-nam-the-nao-hop-ly-chua-toi-tet-da-het-sach-tien-thi-hong-roi-mong-gi-lam-nen-dai-su-a3112.html