Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị 21/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời triển khai kế hoạch chuyên đề phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo qua mạng, dự báo diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi.
Nhiều hình thức khó lường
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn, tạo lập website, sàn giao dịch, ứng dụng (app) kiếm tiền, sử dụng "mồi nhử" là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex)... theo mô hình đa cấp. Sau đó, kẻ gian can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập tài khoản.
Một số chiêu thức khác là đăng thông tin giả mạo về những hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội để lừa đảo. Đáng chú ý, các đối tượng còn lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện hành vi lừa đảo hết sức tinh vi, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia công nghệ, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng nhận định lừa đảo trực tuyến đang là vấn đề đau đầu của cả người sử dụng lẫn đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến, thanh toán online. Trong xu hướng bùng nổ công nghệ, các kênh thanh toán trực tuyến, giao dịch online tăng lên là cơ hội để các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm tội.
Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, sự phát triển các dịch vụ ngân hàng số với yêu cầu mở rộng kết nối khách hàng trên không gian mạng đã gia tăng sự xâm nhập của tội phạm mạng. Những thay đổi nhanh chóng của công nghệ đồng thời phát sinh các lỗ hổng bảo mật mới, dẫn đến xu hướng tội phạm công nghệ tăng theo với thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường.
Ngân hàng TMCP Bắc Á cũng vừa tiếp tục cảnh báo thủ đoạn gửi link (đường dẫn) giả để đánh cắp thông tin của khách hàng. Thủ đoạn thường thấy là gửi tin nhắn SMS giả mạo của ngân hàng, lừa khách hàng truy cập vào link giả, yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu, mã OTP, thông tin thẻ... Khi có được các thông tin này, đối tượng sẽ rút tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Các cơ quan chức năng, ngân hàng, nhà mạng cần đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống bảo đảm an toàn dữ liệu tương xứng với quy mô phát triển của kinh tế số. Đồ họa: ANH THANH
Tăng cường an ninh mạng
Để hạn chế rủi ro trên không gian mạng, ông Trần Đình Cường cho rằng các ngân hàng cần quan tâm đầu tư cho việc bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin tương xứng với quy mô phát triển của kinh tế số.
"Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến mở rộng hạ tầng kết nối, trao đổi dữ liệu, bao gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia, giao tiếp lập trình ứng dụng mở (Open API), dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng... Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ chế cho phép chia sẻ, khai thác dữ liệu công dân kết hợp với dữ liệu sinh trắc học" - ông Cường góp ý.
Trung tướng Tô Ân Xô cho hay để tiếp tục đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả tội phạm trên không gian mạng, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm. Trong đó, chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân...
Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước rà soát, phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo như: đầu tư, huy động vốn, kinh doanh bất động sản, kinh tế số, cho vay qua app, vay ngang hàng (P2P Lending), thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, mạng xã hội, thuê bao điện thoại di động... Bên cạnh đó, phối hợp với các ngân hàng phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để phát hiện, truy vết tội phạm.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã yêu cầu các cơ quan thu thập dữ liệu những tài khoản liên qua đến lừa đảo để các ngân hàng thương mại tham khảo nhằm hạn chế rủi ro. Một giải pháp khác là cần xử lý được SIM rác, số điện thoại rác, làm tốt định danh điện tử (KYC)...
Những việc tuyệt đối không làm
Các ngân hàng thương mại khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không làm những việc sau để tránh mất tiền oan:
. Mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho người khác sử dụng.
. Tiết lộ tên đăng nhập, mật khẩu, mã PIN, OTP của bất kỳ dịch vụ ngân hàng điện tử nào.
. Chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại do người khác chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng, khuyến mại.
. Sử dụng tiền được chuyển khoản nhầm vào tài khoản ngân hàng cá nhân.
. Cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; kết bạn, vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết.
Ngoài ra, lưu ý website chính thống của ngân hàng thường được đăng ký với tên miền (.vn) hoặc (.com.vn). Những trang web có tên giống ngân hàng nhưng có đuôi khác như (.info), (.xyz), (.com) đều là giả mạo. Khách hàng cũng có thể xác minh độ tin cậy của tin nhắn nghi ngờ giả mạo bằng cách sao chép SMS gửi tới 9548 (Viettel), 9241 (Mobiphone), 1551 (Vinaphone)...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-1
Link nội dung: https://tintuc365.net/du-chieu-lua-dao-truc-tuyen-nang-cao-canh-giac-a3337.html