'Thuyền trưởng' Cục Hải quan TP.HCM: Luôn nghĩ rộng hơn không gian mình đang đứng

Trong dòng chảy hối hả của những ngày cận Tết Nguyên đán, với đặc thù bận rộn quanh năm của ngành hải quan ở thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng vẫn dành thời gian chia sẻ với Thanh Niên về những mục tiêu và cả khát vọng thay đổi về "chất" của ngành này trong bối cảnh hội nhập kinh tế Việt Nam với thế giới. 

Kinh tế khó khăn, xuất khẩu đối mặt với đơn hàng bị cắt giảm... thế nhưng, thu ngân sách của Cục Hải quan TP.HCM chỉ cần 10 tháng để hoàn thành nhiệm vụ cả năm 2022. Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cười lớn khi chúng tôi đùa thành tích này là do chỉ tiêu “hơi thấp”. Ông cũng không coi đây là “thành tích đột phá” mà là kết quả của một quá trình...

Dù kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, năm 2022 tiếp tục phá kỷ lục với hơn 700 tỉ USD, thế nhưng VN cũng đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đồng nghĩa với nhiều dòng thuế bị cắt, giảm mạnh, thậm chí về 0%. Làm thế nào để số thu ngân sách vẫn về đích kế hoạch sớm như vậy, thưa ông?

Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng: Không phải tự nhiên mà các tổng lãnh sự nước ngoài, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài, tham tán thương mại… đến nhậm chức và rời VN khi hết nhiệm kỳ đều đến chào xã giao Cục Hải quan TP.HCM một cách trang trọng. VN đã ký kết FTA với nhiều thị trường rất lớn nên vai trò của hải quan không đơn thuần là thu thuế và chống buôn lậu, chúng tôi tự thấy có trách nhiệm làm cầu nối xúc tiến đầu tư. Khi nhà đầu tư tới TP.HCM nói riêng và VN nói chung, cần một đội ngũ hải quan hiện đại, cầu thị và có trình độ chuyên môn cao. Ngay cả dịch thuật tại các hội nghị đối thoại thì công chức chúng tôi cũng đảm nhiệm hết.

Chúng tôi cũng chủ động gửi thông điệp đến các hiệp hội DN nước ngoài, rằng “anh” muốn tìm hiểu đầu tư vào VN, muốn xây nhà máy thì được nhập khẩu máy móc gì, cái gì cấm, cần những thủ tục gì, xin giấy phép tại bộ ngành nào, được miễn thuế gì… Ý tôi muốn nói, kết quả này là một quá trình từ làm tốt, nghiêm trong công tác về giá; đào tạo và rèn luyện một đội ngũ công chức hải quan có trình độ cao, nghiệp vụ nhạy bén, hành xử chuyên nghiệp chứ không phải như mọi người đang nghĩ, chúng tôi chỉ việc ngồi chờ DN đến làm thủ tục là có thu. Hải quan TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ như một văn phòng luật tư vấn. Âu đó là một trong lý do giúp Cục Hải quan TP.HCM thu vượt chỉ tiêu, bất chấp khó khăn.

'Thuyền trưởng' Cục Hải quan TP.HCM: Luôn nghĩ rộng hơn không gian mình đang đứng - ảnh 1

Những điều ông nói đúng là rất quan trọng nhưng Cục Hải quan TP.HCM có tới hơn 2.000 công chức và người lao động, làm thế nào để tất cả đồng lòng thực hiện nhiệm vụ theo quan điểm của lãnh đạo?

Công tác hải quan nói riêng và trong bất cứ một đơn vị nào tôi nghĩ cũng giống như việc chèo thuyền, có thể trong suy nghĩ mỗi người có khác, nhưng hành động phải hướng về một mục tiêu, lý tưởng và không cho phép nghĩ khác, làm khác. Chúng tôi xây dựng văn hóa làm việc với DN dựa trên tính kỷ luật, vừa cứng rắn vừa uyển chuyển, có hiểu biết, văn minh và hợp tác. Tôi quán triệt với công chức coi DN là đối tác để phục vụ. Muốn vậy, người đứng đầu phải làm gương. Có câu “khi hiểu được lòng nhau mới đến bờ, đến bến”. Một bộ máy có tính tổ chức cao, xuyên suốt từ lãnh đạo đến chi cục, phòng ban, công chức... từ tư duy đến hành động thì hiệu quả công việc rất cao.

Sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số như trách nhiệm, giải pháp sống còn của các cơ quan hành chính công cũng như DN, tại Cục Hải quan TP.HCM, việc này được thực hiện thế nào, thưa ông?

Đúng thế, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bắt buộc mọi điều hành quản trị phải qua văn phòng số. Bởi trong tương lai, đòi hỏi tốc độ hoàn thành công việc phải nhanh, tính chuyên nghiệp cao, trong khi đó, lực lượng công chức sẽ giảm. Tôi không có quan niệm quản lý mà là quản trị. Mỗi buổi sáng sớm trước khi vào việc, tôi lên “list” những việc chỉ đạo trong ngày. Kế hoạch, chiến lược, tốc độ, thời gian… đầu vào đầu ra đủ dữ liệu, từ đó, lộ trình làm đến đâu mình sẽ nắm được ngay.

Dù ở đâu, người lãnh đạo phải biết mình đang điều hành cái gì, các lệnh đưa ra đang được tiến hành thế nào, cái nào chưa làm được phải nêu lý do. Người trẻ chưa có kinh nghiệm xử lý có thể chuyển người có kinh nghiệm hướng dẫn, phải có xử lý, có cái mới trong công tác được giao mỗi ngày. Nếu công chức nào chưa “đụng” vào việc được giao đó trong ngày, hệ thống sẽ báo đỏ ngay. Giải quyết xong báo dấu tích xanh. Hải quan là một trong những ngành tham gia quản lý điều hành bằng công nghệ thông tin sớm nhất và được đánh giá cao.

'Thuyền trưởng' Cục Hải quan TP.HCM: Luôn nghĩ rộng hơn không gian mình đang đứng - ảnh 2

Trong khi người ta có xu hướng “chọn việc nhẹ nhàng” thì hải quan TP.HCM lại “lấn sân” sang tư vấn thuế, luật, xúc tiến thương mại và đầu tư… Ông có thấy là mình đang quá ôm đồm không?

Khi có ý kiến với lãnh đạo TP, tôi luôn góp ý với tư cách người quản lý kinh tế, không chỉ là lãnh đạo cục hải quan. Theo tôi, TP.HCM còn rất nhiều dư địa để phát triển, không chỉ đầu tàu kinh tế cả nước mà có thể sánh vai với các thành phố lớn khác trong khu vực châu Á.

Ví dụ như vấn đề kinh tế nào của TP.HCM mà ông trăn trở và tâm huyết?

TP.HCM có tiềm lực để xây dựng logistics, công nghệ số, du lịch… thành hệ sinh thái. Xuất khẩu không thể cứ dựa vào DN nước ngoài, phải chính DN trong nước làm chủ và tạo điều kiện tối ưu để họ tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Sau Intel, Samsung và có thể Apple vào VN, TP.HCM có nguồn nhân lực công nghệ cao, có Khu công nghệ cao để tổ chức sản xuất tốt, phải đẩy nhanh quy hoạch, xây dựng, phát triển TP là trung tâm công nghệ cao như một “sillicon”, có sản phẩm cơ khí, “chíp” và “RAM” “made in Vietnam”. Muốn vậy, phải hạn chế phụ thuộc, đẩy mạnh phát triển công nghệ phụ trợ để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vậy hãy mạnh dạn đưa những ngành thâm dụng lao động ra các tỉnh thành như vệ tinh hỗ trợ “hub” công nghệ cao TP.HCM. Vùng lân cận TP cũng có nguồn lao động phong phú, quỹ đất rộng để xây nhà máy. Làm vậy là tạo cơ hội cho người lao động không phải ly hương kiếm việc làm. Nhiều lần tôi đề xuất đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái logistics và giao thông đường thủy, bộ. Đặc biệt, mở rộng cảng nước sâu Cần Giờ (Gò Da), song song cảng Cái Mép để khai thác tối đa hệ thống đường thủy, trở thành trung tâm logistics của khu vực, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Với du lịch, không nên ngồi đếm bao nhiêu lượt khách đến mà họ tiêu bao nhiêu tiền mới quan trọng. Phải có nhiều khu vui chơi, giải trí, mua sắm, trung tâm miễn thuế… như hệ sinh thái để khách đến TP.HCM mở hầu bao nhiều lần và “quên” đi những khu vui chơi lân cận ở Singapore, Thái Lan…

Triết lý trong quản trị của ông là gì?

Luôn nghĩ rộng hơn không gian mình đang đứng. Quyết sách đưa ra phải có tính dự báo, nắm bắt, đón đầu, thậm chí đương đầu khó khăn. Quan trọng nhất của người lãnh đạo là dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Giản dị vậy thôi!

Với vai trò là Bí thư - Cục trưởng, tôi cũng đã chủ động bàn bạc với tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Cục ban hành nghị quyết chủ trương về xây dựng đội ngũ lực lượng lãnh đạo kế tiếp. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ… lực lượng công chức trẻ có trình độ, có tâm sáng với nghề và yêu nghề, tạo cơ hội cho họ phấn đấu rèn luyện ngay từ rất trẻ, biết từ chối những cám dỗ không thuộc về mình. Những điều này tôi luôn nói công khai tại cơ quan.

Ông Đinh Ngọc Thắng

Tin liên quan

Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM: Tuyến đầu thì không được phép lùi bước Cục Hải quan TP.HCM cam kết giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp Đến lúc tính chuyện ‘mở cửa’ kinh tế TP.HCM: Không thể bó hẹp trong địa giới hành chính

Link nội dung: https://tintuc365.net/thuyen-truong-cuc-hai-quan-tphcm-luon-nghi-rong-hon-khong-gian-minh-dang-dung-a3826.html