Mô hình kinh doanh mới
Khoảng 3h sáng dưới ánh điện lập loè, một tốp công nhân cặm cụi làm việc, mặc cho tiết trời những ngày cận Tết rét mướt. Người cầm vợt xúc cá giống, người cầm bao đóng gói, phối hợp nhịp nhàng kịp trời sáng giao hàng cho khách.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Cá giống Đức Thắng (thôn Bình Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) nhấp ngụp trà kể, ông quê ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vốn nổi tiếng với nghề nuôi cá giống thương phẩm. Năm 2000, ông vào huyện Phú Thiện lập nghiệp.
Nhận thấy khí hậu và nguồn nước nơi này phù hợp với việc nuôi cá giống, ông quyết định làm nghề cũ trên đất mới. Sau vài vụ trúng, ông mua được mảnh vườn hơn 1000m2 và mở rộng quy mô.
Ông Thắng chia sẻ: “Nghề nuôi cá giống cũng lắm gian truân. Ngoài xuôi ngược khắp nơi tìm giống cá mới về ươm hay chở hàng giao cho khách, người nuôi còn phải thức đêm để theo dõi nhằm phòng ngừa dịch bệnh cho đàn cá. Cũng có khi chết lặng giữa hồ nuôi, khi bao nhiêu tài sản gom góp đầu tư vào đấy mà cá con mắc bệnh chết nổi trắng xóa mặt nước.
Năm 2020, trên địa bàn xã bùng phát dịch Covid-19, mọi người phải cách ly phòng bệnh, trong khi nhà tôi có 1 tấn cá bột chép đỏ đến kỳ xuất bán nhưng không có đầu ra. Lúc đó, gia đình đành ngậm ngùi chở 1 tấn cá giống trị giá chừng 120 triệu đồng ra mương nước phóng sinh”.
Cũng chia sẻ với PV Người Đưa Tin, ông Đào Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Thủy cầm Ia Peng bộc bạch: “Năm 1986, tôi từ Hà Nam Ninh vào Gia Lai lập nghiệp. Lúc mới vào, tôi chỉ biết khai phá đất đồi trồng lúa rẫy. Tận dụng nguồn nước dồi dào của công trình thủy lợi Ayun Hạ, nhiều hộ dân quyết định đào ao thả cá để có thêm thu nhập.
Riêng tôi, đến năm 1999 mới bắt đầu đào ao thả cá. Sau đó, tôi chuyển sang nuôi vịt. Nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi kết hợp thủy sản và thủy cầm trên cùng diện tích mặt nước, tôi đã nuôi cả 2 loại. Năm 2017, khi thành lập HTX Cá giống Đức Thắng, tôi cùng với anh Thắng và 7 người khác tham gia. Mới đây, tôi thành lập HTX Thủy cầm Ia Peng”.
Làm giàu nhờ cá giống
Theo ông Châu, toàn huyện có hàng trăm hộ đào ao nuôi cá. Nhưng tham gia HTX thì có 30 thành viên, chủ yếu là người quê gốc ở miền Bắc. Hợp tác xã tập trung vào thế mạnh nuôi cá giống, vì đây là thị trường tiềm năng.
Hàng triệu con cá giống được nuôi ở huyện Phú Thiện theo những chuyến xe xuôi ngược khắp cả nước và sang cả nước bạn Campuchia, Lào. 23 năm qua đi, từ chạy cơm từng bữa, gia đình ông Châu trở thành “đại gia” với mức thu nhập 400-500 triệu đồng/năm từ nuôi thủy sản kết hợp thủy cầm.
Ngoài trang trại ở thôn Bình Trang rộng chừng ha, gia đình ông Châu còn có 1 ngôi nhà xây khang trang, xe ô tô và 1 khu rẫy rộng hơn 3ha ở một xã khác của huyện Phú Thiện. Con cái được ăn học đàng hoàng.
Ông Châu nhiều lần được tỉnh, huyện vinh danh Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
“Ngày mới vào khổ hết chỗ nói. Mỗi năm, chúng tôi chỉ làm được 1 vụ lúa rẫy, 1 vụ đậu xanh, quần quật suốt ngày mà không đủ ăn. May mắn nhờ đàn cá, con vịt đã giúp cuộc sống gia đình sang trang mới”, ông Châu phấn khởi cho hay.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Lượng (xã Ia Sol) từ hộ nghèo trở nên khấm khá nhờ nuôi cá giống thương phẩm. Bước ngoặt là từ năm 2017, khi tham gia HTX Cá giống Đức Thắng, anh Lượng được hỗ trợ kỹ thuật, giống nuôi. Lợi nhuận mấy vụ cá đã giúp gia đình anh thoát nghèo với mức thu nhập 150-200 triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Ia Peng Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Trên địa bàn xã có HTX cá giống Đức Thắng và 1 hộ nuôi cá giống, cá thịt thương phẩm với quy mô lớn.
Những năm gần đây, nhu cầu thị trường về cá giống cao nên người nuôi ở xã có lợi nhuận khá, tạo động lực để các hộ khác noi theo phát triển kinh tế gia đình. Xã cũng đang đề nghị huyện hỗ trợ thêm kinh phí, tổ chức các lớp dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật mới để giúp người dân, nhất là hộ dân tộc thiểu số nuôi thủy sản nhằm nâng cao thu nhập".
Link nội dung: https://tintuc365.net/gia-lai-nong-dan-doi-doi-nho-nuoi-ca-giong-a421.html