Hẳn, chúng ta chưa quên 174 người chết vì bị dẫm đạp ở Indonesia vừa xảy ra chưa lâu. Những vụ khủng khiếp thế này luôn có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bọn trẻ luôn là đối tượng dễ ham vui mà mất mạng. Trong số 154 nạn nhân vừa qua, phần lớn đều là những đứa trẻ dưới 20 tuổi. Các cha mẹ có giật mình không?
Thật khó để nói với con mình rằng: Hãy xa rời đám đông hỗn loạn. Bởi tinh thần của bọn trẻ thì đa phần đông mới vui. Chỉ có người già chúng ta mới biết kinh khiếp cái mùi mồ hôi, sợ những mùi người. Bọn trẻ không sợ vì đám đông đó chính là chúng. Chúng chỉ sợ khi phải đứng ngoài cuộc, bị bỏ lỡ cuộc vui đó thôi. Nên chúng sẽ trốn cha mẹ mà đi. Chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc đón xác con về nếu như chúng ta quên không dạy chúng cách để thoát thân.
Bởi mọi đám đông đều có nguy cơ tiềm ẩn sự dẫm đạp lên nhau. Tâm lý con người nói chung thường dễ bị cuốn theo hành động của những người xung quanh. Có khi chỉ là một khủng hoảng nhỏ nhưng khi vài chục người hốt hoảng cũng sẽ kéo theo sự hỗn loạn của vạn người. Như một đám cháy vậy. Bọn trẻ không có kỹ năng sẽ cắm mặt chạy theo đoàn người để thoát thân bằng bản năng sinh tồn của chúng. Và nếu như gặp nút thắt cổ chai hay một vật cản, điều tồi tệ sẽ xảy ra với những kẻ nhanh chân hơn não. Chúng ta luôn chết vì hậu quả của sự sợ hãi chứ không phải chết vì nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi. Bởi vậy, hãy nhắc nhở con rằng:
1. Hãy nói với con bạn về những nguy cơ và cách nhận biết những nguy cơ thay vì cấm đoán chúng. Vì đằng nào con bạn cũng vẫn sẽ tham gia, một lúc nào đó. Là hãy nhận biết địa hình nơi các con tham gia. Có bao nhiêu cửa thoát hiểm, tránh xa những nút thắt cổ chai. Chỗ có thể thoáng nhất là chỗ nào. Kỹ năng quan sát địa hình luôn quan trọng hàng đầu mỗi khi đến một nơi lạ. Đừng cắm mặt vào điện thoại hay háo hức với sự kiện mà quên đi điều này. Hãy nhớ, mọi đám đông đều ẩn chứa nguy cơ.
2. Kiểm soát sự sợ hãi. Đây là điều mà nhiều cha mẹ quên hoặc làm sai khi luôn dạy con nỗi sợ thay vì dạy con về lòng tin. Nên nhớ, các cuộc lễ hội thế này, nhà tổ chức luôn có các biện pháp phòng ngừa, kế hoạch ứng cứu cũng như giải pháp ứng phó. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát nỗi sợ hãi khi chúng ta có lòng tin, niềm tin chứ không phải bằng những sợ hãi, bất an. Cho con lòng tin chính là giúp con bình tĩnh kiểm soát được nỗi sợ hãi trong nó.
3. Một chỗ an toàn. Khi đứa trẻ kiểm soát được nỗi sợ hãi, nó sẽ đủ tỉnh táo để tìm thấy chỗ an toàn. Ví dụ như gặp kẻ xả súng, nguyên tắc mình không thấy họ là họ không thấy mình. Hay trong đám đông hãy tìm nơi vắng hoặc cao hơn, tránh bị chìm vào đám đông.
4. Tiếp tục. Tiếp tục. Tiếp tục. Nếu không tìm thấy chỗ an toàn, đừng đi ngược lại đám đông. Hãy tiếp tục dịch chuyển liên tục. Ngã phải đứng dậy ngay. Bản năng sinh tồn lúc này rất quan trọng. Nếu ngã không đứng dậy được, hãy cuộn tròn trong tư thế thai nhi hoặc bò tiếp. Đừng đứng lại, đừng ngồi thụp xuống hay bất kể điều gì thụ động.
5. Tay trước ngực. Bảo vệ bản thân mình giống các võ sĩ quyền anh vậy.
6. Điểm chết. Hãy tỉnh táo để nhận ra những điểm chết. Đó là những lối thoát nút cổ chai như cầu thang, hành lang nhỏ đang đông kín người.
7. Di chuyển theo đường chéo. Luôn tìm ra những kẽ hở thay vì 1 đường thẳng đang bị nghẹt cứng. Đừng cố tìm cách lách vào trong đám đông. Di chuyển liên tục zigzag để giữ mình không phải dừng lại. Tấm lưng của người trước có thể trở thành bức tường khiến con bạn thiệt mạng.
8. Bỏ lại mọi đồ đạc để thoát thân nhanh nhất. Đặc biệt những vật sắc nhọn, balo, túi xách có thể gây ra thương vong cho chính con.
Vẫn biết kỹ năng chỉ là lý thuyết, thực hành thế nào mới là quan trọng. Nhưng nếu các con bạn biết hơn lũ bạn một chút thôi, chúng sẽ an toàn hơn. Dạy con bình tĩnh và kiểm soát tình huống xin đừng bằng những dọa nạt mà hãy bằng kiến thức vậy. Mong con bạn an toàn!
Nhà văn HOÀNG ANH TÚ
Link nội dung: https://tintuc365.net/xa-roi-dam-dong-hon-loan-a426.html