Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiêp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Bộ NN&PTNT có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng.
Ngành học nông nghiệp chưa thu hút
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ NN&PTNT) cho biết, người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con, em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Cùng với đó điều kiện làm việc trong ngành vất vả, vị thế kém hấp dẫn so với các ngành khác, thu nhập của lao động làm việc trong ngành rất thấp, chỉ bằng 39% trung bình cả nước. Tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp để có điều kiện lập nghiệp ở khu vực thành thị hoặc lựa chọn học nghề để làm việc trong các khu công nghiệp ở địa phương đã tác động lớn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nông nghiệp nói chung và nhân lực trình độ đại học, sau đại học nói riêng.
Giáo dục nghề nghiệp cũng chứng kiến sự suy giảm của các ngành nông nghiệp truyền thống, đặc biệt là sự sụt giảm nhanh của hệ đào tạo cao đẳng, sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn. Cụ thể, trình độ cao đẳng có xu hướng suy giảm từ 6.042 học sinh năm 2016 xuống còn 4.305 học sinh vào năm 2021 (mặc dù có xu hướng tăng so với 2020). Một số trường đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng so với số lượng chỉ tiêu đăng ký.
Ông Giang cho biết, thực tế lao động ngắn hạn, lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo còn chiếm tỉ lệ thấp, dưới 5%. Tỉ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015.
Năm 2022, tỉ lệ này chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm; trong đó, một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng… có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học. Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.
Mở rộng tư duy đào tạo
GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gắn "học" với "hành", từ năm học 2017 đến nay, hàng năm Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã kết nối, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Qua các đợt thực tập, đã tạo điều kiện cho sinh viên củng cố và vận dụng kiến thức chuyên môn, nắm bắt được quy mô, hiện trạng sản xuất. Sinh viên được tham gia các hoạt động cụ thể của cơ sở thực tập, thực hiện các công việc, kỹ thuật liên quan đến ngành được đào tạo từ đó kiến thức chuyên môn được nâng cao.
Học viện cũng phối hợp với các doanh nghiệp triển khai các cuộc thi khởi nghiệp ngành nông nghiệp cho sinh viên với hàng trăm dự án của sinh viên mỗi năm. Cuộc thi đã góp phần hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp cho cán bộ, sinh viên. Bên cạnh đó, Học viện đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp và đang phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng Trung tâm nông nghiệp CNC (Trung tâm Đổi mới sáng tạo ngành hàng rau hoa quả), thử nghiệm xây dựng mô hình Food Valley (công viên Khoa học và nông nghiệp) với sự hợp tác với hơn 60 doanh nghiệp để tiếp tục phát triển lĩnh vực công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh và các lĩnh vực liên quan.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, dù sinh viên học bất cứ ngành nào cũng phải bước vào đời sống xã hội nên các trường cần "mở rộng cửa" đưa xã hội vào trường học. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các trường, các doanh nghiệp để việc đào tạo nguồn nhân lực đi đúng quỹ đạo thị trường.
Tại Hội nghị, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau để 16.500 lượt sinh viên có thể thăm quan trải nghiệm tại các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp cũng cam kết bố trí lực lượng chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi tham gia đào tạo kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp hoặc hướng dẫn sinh viên.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://tintuc365.net/hop-tac-dao-tao-va-phat-trien-nguon-nhan-luc-nong-nghiep-nong-thon-a46554.html