Những cánh cửa được mở cho trái cây Việt

(NLĐO) - Năm 2022, hàng loạt trái cây Việt Nam được nước ngoài cấp phép nhập khẩu – ghi dấu 1 năm thành công của hoạt động đàm phán mở cửa thị trường

Điều này chứng minh năng lực về sản xuất cùng công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam có thể đáp ứng các thị trường cao nhất.

Trung Quốc: Dồn dập tin vui

Trung Quốc là thị trường số 1 của ngành rau quả Việt Nam với thị phần năm 2022 hơn 45%, tương đương giá trị gần 1,53 tỉ USD. Những năm gần đây, nước này siết nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch trong khi ngành rau quả Việt Nam chưa thích nghi kịp nên giá trị xuất khẩu sụt giảm từ mức hơn 2 tỉ USD trước đây.

Những cánh cửa được mở cho trái cây Việt - Ảnh 1.

Chanh leo đang được xuất khẩu tạm thời sang Trung Quốc, sắp tới sẽ được ký nghị định thư xuất khẩu chính thức

Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định năm 2023, ngành rau quả Việt Nam có thể "bùng nổ" nhờ mở cửa chính ngạch thành công hàng loạt mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế. Đó là sầu riêng, loại quả "tỉ đô" Việt Nam mới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc lô đầu tiên vào tháng 9-2022 nhưng đã đóng góp cho ngành tới 350 triệu USD.

Những tháng cuối năm, hàng loạt nhà vườn, cơ sở đóng gói sầu riêng đã tích cực tham gia các đợt sát hạch trực tuyến của chuyên gia Trung Quốc để được cấp mã số và chính thức tham gia vào chuỗi xuất khẩu sầu riêng vụ năm 2023.

Trước đó, chanh leo Việt Nam cũng được xuất khẩu chính ngạch tạm thời sang Trung Quốc (thí điểm tỉnh Quảng Tây) đem lại tin vui cho các vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu.

Tiếp đó, tháng 11-2022, Trung Quốc mở cửa chính ngạch cho khoai lang và ký nghị định thư mặt hàng chuối (trước đó xuất khẩu chính ngạch dưới dạng mặt hàng truyền thống - PV) giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động xuất nhập khẩu.

Những cánh cửa được mở cho trái cây Việt - Ảnh 2.

Quả bưởi và sầu riêng là 2 mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất, xuất khẩu

Theo ông Lê Văn Thiệt, Cục Phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã có 5 loại rau quả đang xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết Nghị định thư là: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang và 7 loại trái cây xuất khẩu theo dạng truyền thống là: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít.

Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp cùng phía Trung Quốc để xây dựng Nghị định thư xuất khẩu chanh leo và ớt tươi (xuất khẩu chính ngạch tạm thời năm 2021 -PV) và tiến tới ký Nghị định thư chính thức xuất khẩu đối với 7 loại quả truyền thống còn lại. Những mặt hàng mới đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc là: bưởi, mãng cầu, dừa, mận (roi), chanh ta…

Mỹ, Nhật Bản, NewZealand cũng mở cửa

Đầu năm 2023, sau 40 ngày xuất phát, lô bưởi đầu tiên của Việt Nam vận chuyển bằng đường tàu biển đã đến Mỹ và nhận được lời khen của người tiêu dùng. Nhiều Việt kiều Mỹ đã lần đầu có bưởi Việt Nam để chưng vào dịp Tết cổ truyền.

Những cánh cửa được mở cho trái cây Việt - Ảnh 3.

Bưởi Việt Nam xuất khẩu lô đầu tiên sang Mỹ - Ảnh Công ty Chánh Thu

Quả bưởi được Mỹ cấp phép nhập khẩu vào cuối năm 2022 được kỳ vọng mang lại giá trị xuất khẩu lớn trong tương lai nhờ vùng nguyên liệu dồi dào có quanh năm cùng công nghệ bảo quản giúp loại quả này có thể để được trong 3 tháng. Dù nguồn cung bưởi trên thế giới nhiều nhưng bưởi Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

Với thị trường Nhật Bản, tin vui đến vào cuối năm 2022 khi nước này công bố mở cửa cho quả nhãn tươi Việt Nam. Đây là loại trái cây Việt thứ 4 được Nhật Bản cho phép nhập khẩu sau thanh long, xoài cát chu và vải.

Điều đặc biệt là các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã rất nỗ lực hoàn thành thí nghiệm kỹ thuật xử lý lạnh cho quả nhãn để làm căn cứ hoàn thiện điều kiện nhập khẩu. Biện pháp xử lý lạnh lần đầu tiên được áp dụng với mặt hàng trái cây của Việt Nam. Lợi thế của phương pháp xử lý lạnh là trang thiết bị đầu tư không quá đắt đỏ nên nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia. Việc xử lý lạnh có thể thực hiện trong quá trình vận chuyển sẽ là một lợi thế giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, phương pháp này không có nguy cơ về vấn đề tồn dư hóa chất vì không sử dụng. Thành công của việc áp dụng biện pháp xử lý lạnh quả nhãn xuất khẩu sang Nhật Bản mở ra cơ hội để Việt Nam đàm phán nhân rộng ra các thị trường nhập khẩu khác.

Những cánh cửa được mở cho trái cây Việt - Ảnh 4.

Nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản bằng phương pháp xử lý lạnh

Cũng vào cuối năm 2022, Newzealand – một đất nước khó tính bậc nhất trên thế giới về nhập khẩu trái cây đã mở cửa cho chanh các loại và bưởi của Việt Nam. Dù thị trường này không quá lớn khi dân số chỉ hơn 5 triệu người nhưng việc đàm phán mở cửa được nhiều loại quả cho thấy năng lực của ngành rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được những điều kiện ngặt nghèo. Điều này giúp nâng cao uy tín của ngành rau quả trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Duy trì và mở cửa thị trường khó hơn

Theo ông Lê Văn Thiệt, mở cửa được những thị trường đã khó nhưng duy trì và mở rộng thị phần còn khó hơn. Do vậy, mỗi người dân, doanh nghiệp cần sản xuất có trách nhiệm để đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường.

Link nội dung: https://tintuc365.net/nhung-canh-cua-duoc-mo-cho-trai-cay-viet-a4852.html