Đầu năm nghe 9X kể chuyện khởi nghiệp bằng tinh thần Đông Du

“Phở gà Việt Nam nhưng lại sản xuất tại Thái Lan, mùi vị và hình dáng cọng phở lại giống món hủ tiếu nhiều hơn. Đó là lúc tôi nghĩ cần phải định vị lại cho đúng chuẩn mực ẩm thực Việt trong lòng người tiêu dùng Nhật Bản”, anh Trần Bảo Khánh, nhà sáng lập K.Products - sản xuất món Việt xuất khẩu nói.

“Mời anh chị dùng thử món phở tươi đúng chuẩn đang bán ở thị trường Nhật Bản ạ!”, cô gái trẻ măng tươi cười mời khách hàng dùng thử sản phẩm tại chợ phiên ngày tết ở trung tâm TP.HCM khiến tôi tò mò. Dùng thử thì quả thật, hương vị phở tươi rất giống với phở ở các hàng quán tại Việt Nam.

Đi theo tiếng gọi “Đông Du”

Đó cũng là điều khiến tôi tò mò tìm hiểu về cơ duyên ra đời của những sản phẩm rất truyền thống, rất Việt của các bạn trẻ thế hệ 9X và được biết, cô gái trẻ tên Mai Thị Thu Trang cùng chồng là Trần Bảo Khánh sáng lập K.Products. Đồng sáng lập còn có một số bạn trẻ khác từng có nhiều năm học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Đầu năm nghe 9X kể chuyện khởi nghiệp bằng tinh thần Đông Du - ảnh 1

Khánh, Trang, Hiếu (từ trái qua) giới thiệu sản phẩm tại một chợ phiên ngày tết ở TP.HCM

Chí Nhân

Trần Bảo Khánh (1994) người Hải Phòng, từng theo học ngành kinh tế tại một đại học ở Hà Nội nhưng sau đó Khánh tạm ngưng học kinh tế để vào TP.HCM học tiếng Nhật ở trường Nhật ngữ Đông Du. Học kinh tế, chọn cơ khí nhưng lại là người thích lịch sử, tại trường Nhật ngữ Đông Du, Khánh gặp được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hòe, người có thời gian dài học tập và làm việc tại Nhật Bản. Thầy lập ra trường Đông Du cũng lấy cảm hứng từ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Năm 2021, nhà giáo Nguyễn Đức Hòe được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc. “Thầy Hòe thường dạy, chúng ta phải noi gương cụ Phan và tinh thần Đông Du của cụ - ra nước ngoài học hỏi điều hay mang về phục vụ đất nước”, Khánh chia sẻ và cho biết, thầy Hòe là người đã giúp Khánh thực hiện được ước mơ của mình.

Thầy Hòe thường dạy, chúng ta phải noi gương cụ Phan và tinh thần Đông Du của cụ - ra nước ngoài học hỏi điều hay mang về phục vụ đất nước.

Trần Bảo Khánh

Năm 2014, chàng trai trẻ sang Nhật du học về ngành cơ khí. “Xa nhà lâu năm nên rất nhớ món ăn Việt Nam. Năm 2018, trong một lần đi siêu thị mình thấy gói phở gà ăn liền, mừng dữ lắm. Nhưng đến khi xem kỹ thì thấy sản phẩm được sản xuất ở Thái Lan. Thôi thì có còn hơn không. Chỉ có điều khi mua về ăn thì bánh phở lại giống sợi hủ tiếu, nước dùng đậm vị nước mắm”, Khánh nhớ lại.

Máu kinh doanh cùng lòng tự ái của chàng trai thế hệ 9X nổi lên. Thời điểm này, vợ Khánh - Thu Trang (1995, người Thanh Hóa) đang ở TP.HCM theo đuổi một dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang nhưng đôi vợ chồng trẻ gom hết vốn liếng dành dụm được từ khi cưới nhau mua hàng từ Việt Nam xuất sang Nhật để thực hiện khát vọng sản xuất các món Việt đúng hương vị Việt. Chuyến hàng đầu tiên thất bại vì nhiều lý do như: Nhật không cho cá nhân người nước ngoài nhập khẩu hàng thực phẩm số lượng lớn. Chất lượng hàng hóa không đủ tiêu chuẩn của Nhật Bản… “Vốn liếng mất sạch. Ngay cả sợ dây chuyền vàng, thứ tài sản giá trị cuối cùng còn sót lại của vợ, cũng phải bán để trả nợ. Cũng trong năm đó, con gái lại chào đời. Khó khăn không sao kể siết”, Khánh nhớ lại.

Đầu năm nghe 9X kể chuyện khởi nghiệp bằng tinh thần Đông Du - ảnh 2

Khánh và Trang giới thiệu sản phẩm với nghệ sĩ Kim Xuân tại phiên chợ

Chí Nhân

Thu Trang và con gái vẫn ở Việt Nam. Khánh tiếp tục ở lại Nhật Bản đi “cày” trả nợ và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, vốn liếng… để làm lại. Bởi Khánh nhận thấy, thị trường Nhật có nhu cầu rất lớn với món ăn Việt Nam. Phở và bún bò Huế là những món mà nhiều người Nhật biết và yêu thích. Người Việt học tập, làm việc tại Nhật Bản cũng rất nhiều. Thế nên ngoài phở, bún bò huế thì bún riêu, cá kho, mắm… là những món mà ai cũng thèm.

Người Nhật rất thích món ăn Việt Nam

Nhưng thị trường Nhật Bản rất khắt khe trong khi hầu hết hàng hóa, nguyên liệu Khánh cần đều không đủ tiêu chất, chất lượng để đưa vào Nhật.

Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm ở thị trường Việt Nam vì mong muốn lớn nhất của chúng tôi là phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.

Mai Thị Thu Trang

Không nản lòng, năm 2020, Khánh về Việt Nam làm việc với các nhà sản xuất đặt vấn đề gia công theo yêu cầu. “Mình nghiên cứu rất kỹ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật để giúp các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh thành phần trong sản phẩm cho phù hợp. Nhờ vậy mà hàng hóa có thể dễ dàng nhập vào thị trường này. Mục tiêu của tôi không chỉ là nhà thương mại đơn thuần mà muốn đồng hành cùng các đối tác xây dựng và quảng bá thương hiệu Việt Nam trên đất Nhật”, Khánh tâm huyết.

Đầu năm nghe 9X kể chuyện khởi nghiệp bằng tinh thần Đông Du - ảnh 3

Gia đình nhỏ của Trang và Khánh sẽ dành trọn 3 ngày tết để nghỉ ngơi và sum họp

NVCC

Không có nhiều vốn, Khánh nghĩ đến những người bạn có cùng chí hướng đã từng quen biết ở Nhật cùng tham gia. Tháng 5.2021, công ty được thành lập và quyết định đặt hàng thiết bị sản xuất riêng theo yêu cầu từ Nhật Bản. Đến tháng 9.2021, máy được chuyển về Việt Nam và đi vào vận hành.

“Chúng tôi nhận ra, trong giai đoạn dịch bệnh nhu cầu về thực phẩm và đặc biệt là các sản phẩm tiện dụng, an toàn, tốt cho sức khỏe có nhu cầu rất cao. Chính vì vậy mà chúng tôi mạnh dạng đầu tư”, Trung Hiếu - đồng sáng lập công ty, từng học công nghệ thông tin, chia sẻ thêm.

Sau rất nhiều nỗ lực để vượt qua các quy trình kỹ thuật và thủ tục trong năm 2022, K.Products đã xuất khẩu được 2 lô hàng gồm: phở, bún bò Huế, bún riêu, cá kho làng Vũ Đại sang Nhật. "Nhiều khách hàng của chúng tôi là những người Nhật đã từng đến Việt Nam nhận xét sản phẩm có hương vị giống với thứ mà họ từng ăn ở Việt Nam. Đó là sự động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục cố gắng”- Thu Trang khoe và cho biết, sẽ dành trọn 3 ngày tết để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Đến ngày mùng 4 sẽ đi làm lại để chuẩn bị cho lô hàng đầy container 20 feet xuất khẩu vào khoảng tháng 3.

"Thương mại điện tử là một trong những kênh bán hàng quan trọng mà chúng tôi muốn đẩy mạnh phát triển và hướng đến những người tiêu dùng trẻ. Ngoài thị trường Nhật, công ty sẽ phát triển thêm một số quốc gia tiềm năng khác như Hàn Quốc, Úc và Mỹ"- cô gái trẻ nói, ánh mắt ánh lên niềm tin và khát vọng về đưa các sản phẩm thuần Việt tới bạn bè thế giới.

Nhưng về dài hạn, mục tiêu của nhóm là đẩy mạnh phát triển ở thị trường Việt Nam để phục vụ người tiêu dùng trong nước những sản phẩm truyền thống với chất lượng, tiêu chuẩn Nhật, tiêu chuẩn toàn cầu. Đó cũng là thực hiện giai đoạn 2 của “tinh thần Đông Du” - mang những điều hay học hỏi được về xây dựng quê hương của nhóm bạn trẻ 9X.

Tin liên quan

Lần đầu xuất hiện: Cá kho làng Vũ Đại, bún bò Huế, phở, bún riêu chuẩn Nhật ‘Vua trứng’ không thể nghỉ tết lâu vì gà... đẻ mỗi ngày 'Vua đường' Đặng Văn Thành ăn dưa hấu, lắc bầu cua, ca hát

Link nội dung: https://tintuc365.net/dau-nam-nghe-9x-ke-chuyen-khoi-nghiep-bang-tinh-than-dong-du-a5010.html