Sinh ra ở Hà Nội, trưởng thành ở TP.HCM, có khoảng 15 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, bà Trần Tuệ Tri trước khi ngồi vào ghế thuyền trưởng Pharmacity, từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia Unilever, P&G, Samsung… 8 năm đón tết xa quê, Xuân Quý Mão 2023 là lần đầu tiên bà Tuệ Tri có cơ hội đón tết ở Việt Nam nên tâm trạng rất háo hức.
Bà Trần Tuệ Tri (người phụ nữ đứng giữa cạnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính) nhận quà xuân từ người đứng đầu Chính phủ Phong Sơn |
“Ăn tết” chứ không nghỉ tết
“Tôi là người tham công tiếc việc”, nữ tướng của hệ thống nhà thuốc tự giới thiệu về bản thân trong cuộc gặp trước kỳ nghỉ tết. Bà chia sẻ, đặc thù của ngành bán lẻ thuốc là phục vụ xuyên tết nên công việc bận gấp đôi ngày thường. "Chúng tôi phải chuẩn bị nguồn hàng, lo lương thưởng cho nhân viên, lên kế hoạch và các chương trình khuyến mãi phục vụ tết… Nên tôi không có nhiều thời gian để ra ngoài 'hít thở' không khí tết. Nhưng bù lại, tôi tận hưởng nó bất cứ khi nào có thể", bà nói.
Gần tết, bà được mời ra Hà Nội tham dự chương trình Xuân Quê Hương do Thủ tướng chủ trì. “Là 'big fan' của bánh chưng Hà Nội nên tôi tranh thủ mua mấy cái mang vào TP.HCM. Từ lúc chưa nghỉ tết tôi và con gái ngày nào cũng ăn bánh chưng - ăn tết đấy ”, bà Tuệ Tri vui vẻ khoe.
Người phụ nữ của công việc thường tranh thủ tận hưởng "hương vị tết" những khi có cơ hội Hải Lê |
Chuyện về món bún thang của mẹ
Bà bật mí: "Ngoài bánh chưng tôi còn thích dưa món và thịt kho trứng kiểu miền Nam. Đây là món năm nào nhà tôi cũng có. Năm nay tôi cũng sẽ kho một nồi. Nhưng món ăn đặc biệt nhất và theo truyền thống gia đình lại là… bún thang".
“Với gia đình tôi, bún thang là món gắn kết tình thâm nên nó đặc biệt ngon và cả sự ấm áp. Một món truyền thống của gia đình tôi mấy chục năm qua”
Trần Tuệ Tri
Bà kể : Mẹ tôi là người khéo tay và nấu ăn rất ngon. Mẹ rất trân quý thức ăn. Ngày mùng 1 tết có rất nhiều món ngon và thường ăn không hết. Đến ngày mùng 2, mẹ tôi tận dụng lại những thứ nguyên liệu cơ bản như nước luộc gà, thịt gà, giò chả… để nấu bún thang. Món ăn này lại đòi hỏi mất nhiều thời gian ở khâu chuẩn bị, vì có nhiều thứ nguyên liệu khác nhau và mọi thứ phải được cắt nhỏ ra. Vậy là cả nhà tôi cùng nhau vào bếp vừa nấu ăn, vừa chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Với gia đình tôi, bún thang là món gắn kết tình thâm nên nó đặc biệt ngon và cả sự ấm áp. Đó là món truyền thống của gia đình tôi mấy chục năm qua.
Không có nhiều thời gian để đọc sách nên tết cũng là cơ hội quý. Bà Tuệ Tri đang tiếp tục phát triển quyển sách của mình ra nhiều phiên bản khác Hải Lê |
"Nữ tướng” của Pharmacity chia sẻ: Mẹ đã về với ông bà được một năm. Nên ngoài thói quen truyền thống ngày tết như rước ông bà ngày 30 tết, chúc tết người thân, bạn bè năm nay trước tết cả nhà sẽ đi viếng mộ mẹ. Mùng 1 tết sẽ đi lễ chùa và thắp hương cho mẹ. “Chúng tôi vẫn sẽ ăn bún thang ngày mùng 2 tết. Qua món ăn này, mẹ đã dạy tôi nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống như việc không lãng phí, tôn trọng giá trị lao động, khiêm tốn…”, bà nói.
"Qua món ăn này, mẹ đã dạy tôi nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống như việc không lãng phí, tôn trọng giá trị lao động, khiêm tốn…”
Trần Tuệ Tri
Với bà Trần Tuệ Tri, năm nay là một cái tết đặc biệt vì được đoàn viên trên quê hương Việt Nam. Nhiều năm qua, dù ăn tết ở đâu gia đình bà cũng giữ nét văn hóa xông đất đầu năm. "Chúng tôi đón giao thừa ở nhà, sau đó ra đường và trở về nhà để tự xông đất cho gia đình mình”, bà chia sẻ.
Quyển sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng” là công trình nghiên cứu kéo dài 3 năm của tác giả Trần Tuệ Tri. Bên cạnh kinh nghiệm “thực chiến” ở nhiều tập đoàn đa quốc gia; trong 3 năm qua bà đã gặp gỡ, phỏng vấn và trao đổi với các chuyên gia hàng đầu cả người Việt Nam và nước ngoài ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Việt Nam nên có nhiều nhà hàng được gắn sao Michelin hơn
- Trong cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”, bà có khuyến nghị hay đề ra giải pháp nào cho vấn đề thương hiệu quốc gia?
* Bà Trần Tuệ Tri: Theo tôi, vấn đề đầu tiên phải xác định cho được đâu là thế mạnh mà chúng ta muốn phát triển. Từ chỗ biết chúng ta có gì và cần gì mới có giải pháp cụ thể cũng như tạo ra sự khác biệt. Ở góc độ cá nhân và qua trao đổi với nhiều người có thể thấy thế mạnh của Việt Nam là nông sản. Muốn xây dựng được thương hiệu quốc gia ở lĩnh vực này thì phải thoát được câu chuyện nông sản giá rẻ. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố liên quan phải chú ý. Ví dụ như ở Singapore hay Thái Lan, những thành phố lớn họ có từ 30 - 50 nhà hàng được gắn sao Michelin (tiêu chuẩn danh giá trong ngành nhà hàng). Ở Việt Nam, số lượng nhà hàng được gắn sao Michelin còn quá ít.
Tin liên quan
‘Vua trứng’ không thể nghỉ tết lâu vì gà... đẻ mỗi ngày 'Vua đường' Đặng Văn Thành ăn dưa hấu, lắc bầu cua, ca hát Tôi sẽ du xuân dọc đất nước Việt Nam