PV GAS quyết tâm đồng lòng vượt qua thách thức

(Chinhphu.vn) - Khép lại năm 2022, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi doanh thu cả năm đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ khi thành lập tới nay. "Quả ngọt" đến từ nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo PV GAS cùng toàn thể cán bộ công nhân viên, đã luôn đoàn kết để vững tay lèo lái "con tàu" PV GAS trong một năm đầy biến động.

Trong năm 2022, bên cạnh những yếu tố khó khăn, hậu quả do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế và các doanh nghiệp, PV GAS còn phải đối mặt với những diễn biến mới, đó là tình hình địa chính trị trên thế giới bất ổn do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, thị trường năng lượng và chính sách tài chính toàn cầu nhiều biến động (gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung, giá cả leo thang, lạm phát tăng cao, giá dầu, giá LPG ở mức cao…). Một thách thức nữa đặt ra là nhu cầu huy động khí cho sản xuất điện ít hơn nhiều so với năm 2021 do ưu tiên huy động năng lượng tái tạo, thủy điện.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc PV GAS, lường trước những vấn đề này và tận dụng cơ hội từ xu hướng tăng giá dầu, ngay từ đầu năm, Ban lãnh đạo PV GAS đã đưa ra nhiều chỉ đạo và điều hành, kết hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ về thực hiện công tác điều độ, huy động khí, vận hành tối ưu; tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, trong đó đẩy mạnh kinh doanh LPG, cung cấp khí cho khách hàng công nghiệp.

Công tác quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro không ngừng được hoàn thiện, nâng cao, thích ứng tình hình mới. Tổng Công ty (TCT) đã thực hiện hiệu quả công tác tái cấu trúc/tái cơ cấu, thực hiện sắp xếp/bổ nhiệm/luân chuyển cán bộ phù hợp công việc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chữ ký số vào công tác quản lý, điều hành cũng như công tác chuyển đổi số và xây dựng hệ thống quản trị nguồn nhân lực (ERP) được triển khai mạnh mẽ.

Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị trong và ngoài ngành, sự phối hợp nhịp nhàng các khâu từ thượng nguồn đến hạ nguồn, đặc biệt là sự chỉ đạo và ủng hộ tích cực từ PVN, các bộ, ngành đã giúp PV GAS kiểm soát, bám sát kế hoạch, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi, hoàn thành xuất sắc và khá toàn diện các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Thành quả nhìn thấy rõ trong những tháng cuối năm, khi các chỉ tiêu tài chính hoàn thành vượt mức kế hoạch 25-89%, về đích trước 2 - 6 tháng và tăng so với năm 2021 từ 14-51%.

Tổng doanh thu đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch (tăng 25% so với năm 2021). TCT cũng nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 7,2 nghìn tỷ đồng (bằng 177% kế hoạch, tăng 14% so với năm 2021). Chỉ số ROA đạt trên 14%, ROE đạt trên 22%. Tiếp tục duy trì tỉ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao 25%/vốn điều lệ.

Trong năm 2022, PV GAS đã cung cấp trên 7,7 tỷ m3 khí khô, bằng 87% kế hoạch, tăng 8% so với năm 2021 (đạt 90% bao gồm phần bán cho Petronas); hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng condensate (đạt trên 100 nghìn tấn, bằng 155% kế hoạch, về đích trước kế hoạch 5 tháng). Sản lượng LPG kinh doanh (đạt trên 2 triệu tấn, bằng 118% kế hoạch, tương đương năm 2021 và về đích trước kế hoạch 2 tháng).

Cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, tất cả hệ thống/công trình khí của PV GAS đều vận hành an toàn và hiệu quả, cấp khí, sản phẩm khí liên tục. Công tác bảo dưỡng sửa chữa, kiểm định hiệu chuẩn triển khai theo kế hoạch, đúng quy trình, chất lượng và đặc biệt đảm bảo an toàn và hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa dừng khí định kỳ hàng năm, đưa các hệ thống khí vào vận hành trước tiến độ.

TCT đã tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất trên 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước (trong đó chiếm 80% thị phần miền Nam, 57% thị phần miền Bắc và 64% thị phần miền Trung). Thị phần bán lẻ LPG được giữ vững, chiếm 11% trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Do nhu cầu huy động khí cho sản xuất điện giảm, PV GAS cũng đã nỗ lực mở rộng thêm khách hàng mới. Qua đó, tiêu thụ khí từ sản xuất đạm và công nghiệp vượt mức kế hoạch 1-3% (tăng 5% so với năm 2021). Công tác đầu tư xây dựng, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hợp đồng mua bán khí/LNG, các vấn đề liên quan cước phí, cơ chế chính sách, thu xếp vốn được triển khai với nhiều nỗ lực.

Năm 2022, PV GAS liên tục ghi dấu ấn là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong PVN và trên thị trường chứng khoán. TCT tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường; 1 trong 20 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do Tổng cục Thuế công bố; nhiều năm liền được Bộ Công Thương vinh danh Thương hiệu Quốc gia; Top 100 doanh nghiệp dẫn đầu Bảng xếp hạng VNR500 năm 2022 được Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố; lần thứ 10 liên tiếp nhận Vinh danh của Forbes Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022 – Top 5 Công ty đạt doanh thu và lợi nhuận tốt nhất.

Nhờ quá trình liên tục phát triển, đạt hiệu quả cao từ khi thành lập đến nay, PV GAS đã tạo niềm tin trong việc thu hút lao động giỏi và các nhà đầu tư. PV GAS hiểu được, việc đạt được thương hiệu mang tầm quốc gia, được các tổ chức quốc tế công nhận có ý nghĩa rất quan trọng.

 Để giữ vững danh hiệu, bên cạnh nỗ lực không ngừng cố gắng vươn lên, sản xuất kinh doanh có hiệu quả mà từ quá trình này sẽ tạo ra giá trị cho xã hội, đóng góp để tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt trong khu vực và toàn cầu. Trong các năm tiếp theo, PV GAS sẽ đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất nhập khẩu - tồn trữ - dịch vụ - kinh doanh khí và sản phẩm khí, tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò chủ lực, dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển nhanh chóng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia và tăng cường đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Trước mắt, giai đoạn 2022 – 2025, PV GAS đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình trên 7-9%/năm; thị phần trong nước: 100% thị trường khí khô, trên 50% thị trường LNG và trên 70% thị trường LPG; tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ trung bình đạt trên 20%/năm.

Năm 2023, PV GAS sẽ tiếp tục triển khai vận hành an toàn, hiệu quả và đảm bảo công tác an ninh an toàn các công trình khí. Đảm bảo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; cung cấp tối đa khí và các sản phẩm khí cho khách hàng; đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ khí. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiện thực hóa giá trị các chuỗi dịch vụ/hợp đồng hợp tác kinh doanh ký kết. PV GAS  cũng chú trọng đầu tư chế biến sâu, trước hết từ nguồn khí mỏ Sư Tử Trắng (Giai đoạn 2B); đa dạng hóa sản phẩm sản xuất kinh doanh, đồng thời, đẩy nhanh nghiên cứu các phương án: Thu gom, vận chuyển khí mỏ Tuna bằng đường ống về Việt Nam; nâng công suất đường ống dẫn khí Phú Mỹ-Nhơn Trạch/Hồ Chí Minh; Xây dựng kho LPG/LNG tại miền Bắc; Cấp LNG tại khu vực Tây Nam Bộ; tuyến ống cấp khí từ Hiệp Phước đến các nhà máy điện Long An; dự án công nghệ đồng phát; đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa; đầu tư tại KCN Dầu khí Long Sơn...

Hiện tại các nguồn khí nội địa đang suy giảm, sẽ phải bổ sung bằng LNG nhập khẩu. Tương lai dài hạn LNG sẽ rất cạnh tranh so với nguồn khí nội địa mới của Việt Nam. Trong năm tới, PV GAS sẽ tăng cường nghiên cứu, tìm kiếm, phát triển các nguồn khí mới/LNG/sản phẩm mới trong, ngoài nước, đồng thời đầu tư mở rộng thị trường. Đây cũng là đóng góp của PV GAS vào nỗ lực chung quốc gia thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ và Nhà nước.

Lê Nguyễn


Link nội dung: https://tintuc365.net/pv-gas-quyet-tam-dong-long-vuot-qua-thach-thuc-a5661.html