"Freelancer là nghề gì hả cháu?" - câu hỏi gây sát thương nhất Tết này đối với hội làm tự do

Người làm tự do đối mặt thế nào với loạt câu hỏi “đáng sợ” hơn cả “bao giờ lấy chồng” trong ngày Tết?

Thời gian gần đây, khái niệm freelancer (người làm tự do) ngày càng phổ biến. Nhiều bạn trẻ lựa chọn không đi làm văn phòng mà thay vào đó có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, thoải mái hơn về mặt thời gian và có nhiều cơ hội tốt trong công việc.

Dẫu vậy đối với người lớn, freelance hay freelancer vẫn là những điều khá mới mẻ và xa lạ. Hơn nữa, họ quen với những nghề nghiệp được gọi tên cụ thể thay vì “làm tự do”. Cũng chính vì vậy mà mỗi dịp Tết đến, những người làm tự do phải đối mặt với vô vàn câu hỏi về nghề nghiệp khó giải thích, đôi khi còn “ám ảnh” hơn cả việc hỏi bao giờ lấy chồng từ họ hàng.

Câu hỏi quen thuộc nhưng đầy “ám ảnh”: “Freelancer là nghề gì hả cháu?”

Thanh Tùng (SN 1993) đã bắt đầu làm freelance trong ngành marketing được khoảng 1 năm. Anh cho biết không chỉ Tết mà mỗi dịp gặp họ hàng, anh luôn nhận được những câu hỏi về công việc, ngành nghề mà mình đang làm. Bởi Tùng hiểu rằng, đây thực sự là một khái niệm khá mới mẻ với người lớn nên chắc chắn họ sẽ rất thắc mắc khi nghe thấy.

“Ban đầu mình cũng bị ngợp trước những câu hỏi của mọi người. Nhiều lần thấy cũng quen vì thực ra cũng đã lâu quá rồi mới gặp nhau nên nếu không hỏi về nghề nghiệp, có lẽ cũng không có chuyện gì để nói. Mình không ngại giải thích cho mọi người nhưng sẽ khó chịu nếu ai đó có ý so sánh mình với người khác”, Tùng nói.

Freelancer là nghề gì hả cháu? - câu hỏi gây sát thương nhất Tết này đối với hội làm tự do - Ảnh 1.

Thanh Tùng (Ảnh: NVCC)

Cũng đang là 1 freelancer, Hà Vi (25 tuổi) thừa nhận ban đầu cô cảm thấy “cọc” vì liên tục bị hỏi “Freelancer là nghề gì hả cháu?”. Hà Vi cho biết do tính cách không thích nói về một chuyện gì đó quá 3 lần nên đôi khi cảm thấy khó chịu vì phải giải thích nhiều với mọi người. Thế nhưng sau đó, cô cũng bắt đầu quen dần với việc hỏi thăm của họ hàng nên sẽ kiên nhẫn giới thiệu với mọi người công việc của mình.

Còn đối với Đức Mạnh (SN 1998), anh đã chuyển sang làm tự do toàn thời gian 1 năm nay nên đã nên cũng không còn xa lạ với những câu hỏi "khó nhằn" ngày Tết. Mạnh chia sẻ: “Thường mình sẽ chọn cách diễn đạt tối ưu nhất cho mọi người. Không sử dụng từ chuyên ngành hay tiếng Anh mà chỉ diễn giải đơn giản thôi. Lúc đầu thấy cũng hơi phiền nhưng nhiều quá nên mình quen luôn. Với mình nghĩ đôi khi người lớn cũng chỉ muốn nghe một cách gọi tên cụ thể của công việc mình đang làm chứ có thể họ cũng hoàn toàn hiểu cụ thể là gì”.

Câu hỏi “tối kị” tiếp theo: “Làm nghề này thưởng Tết bao nhiêu?”

Vốn dĩ những câu hỏi về lương, thưởng Tết đã rất nhạy cảm với những người đi làm văn phòng thì đối với hội làm tự do, đây còn là điều càng tránh được càng tốt. Mặc dù có nhiều việc để làm hơn, thu nhập trung bình đôi khi cũng cao hơn những người đi làm công ty song, họ sẽ không có chế độ thưởng Tết hay lương tháng 13 cụ thể như những người đi làm văn phòng.

Tùng cho hay: “Đối với những người làm tự do như mình, chuyện lương, thưởng cuối năm luôn rất khó nói. Do vậy mình chọn cách đưa ra những câu hỏi về chủ đề khác để tránh né vấn đề này. Hoặc không, mình vẫn chia sẻ thẳng thắn nhưng kèm thêm một vài câu cảm thán theo hướng vui vẻ chứ không tỏ thái độ quá gay gắt”.

Freelancer là nghề gì hả cháu? - câu hỏi gây sát thương nhất Tết này đối với hội làm tự do - Ảnh 2.

Hà Vi (Ảnh: NVCC)

Đây cũng là cách mà Hà Vi lựa chọn để đối đáp với họ hàng vào ngày Tết. Thông thường, cô sẽ không nói ra cụ thể mức thưởng hay thu nhập mà mình kiếm được. Thay vào đó, Hà Vi lựa chọn cách nói vui theo dạng “đòn bẩy” để vẫn lịch sự, khéo léo mà không bị nhận xét là có thái độ chưa đúng với người lớn.

Hà Vi bày tỏ: “Mình thường sử dụng cách nói vui vẻ thế này: ‘Cháu cũng tạm thôi ạ, chắc không so được với anh A/chị B đâu ạ’ hoặc ‘Chắc năm nay, anh chị được thưởng nhiều lắm đúng không bác”... như vậy không khí vẫn vui vẻ mà tâm lý chung, bố mẹ cũng được dịp tự hào khi thấy mình khen con cái của họ”.

“Làm tự do là lông bông, không ổn định hả cháu?” - Hội freelancer đối đáp ra sao?

Nhiều người cho rằng câu hỏi này có ý đúng nhưng không hoàn toàn chính xác. Đối với Tùng, anh cho biết: “Làm công việc này mình phải làm chủ được thời gian, công việc và dòng tiền cá nhân. Còn đi làm văn phòng mọi người sẽ có các chế độ phúc lợi đi kèm, như vậy đúng là có phần ổn định và bớt áp lực hơn. Nhưng làm tự do không có nghĩa là lông bông bởi chúng mình vẫn cần phải tổ chức lối sống, lối làm việc khoa học, có văn minh và nề nếp. Hơn nữa công việc này cũng cần tính tự giác cao, nếu chây ì sẽ rất khó để làm việc”.

Còn đối với Đức Mạnh, một người từng làm văn phòng và chuyển sang làm tự do thẳng thắn cho hay việc bản thân làm ở đâu không nói lên được tính ổn định hay an toàn tài chính. Mà điều này sẽ cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như kỹ năng chuyên môn, mối quan hệ, sự nỗ lực, tư duy và cả khả năng kiếm tiền.

Freelancer là nghề gì hả cháu? - câu hỏi gây sát thương nhất Tết này đối với hội làm tự do - Ảnh 3.

Đức Mạnh (Ảnh: NVCC)

“Mọi người vẫn hay nghĩ đi làm công ty, hàng tháng được trả lương đều đặn là an toàn. Thế nhưng ta đâu thể biết công ty sẽ còn hoạt động đến bao giờ hay họ sẽ duy trì bộ máy, câu trúc nhân sự hiện tại hoặc giữ bạn làm việc đến bao lâu? Thực tế có rất nhiều người thất nghiệp, phải sống chật vật vì bị cắt giảm nhân sự, giảm lương, công ty phá sản... Như vậy đâu nghĩa là mình sẽ vẫn ổn định?”, Đức Mạnh chia sẻ.

Cả 3 người trẻ đang làm tự do này đều khẳng định, lựa chọn nào cũng sẽ có nhiều mặt. Tuy nhiên sau thời điểm căng thẳng của dịch Covid-19, xu hướng làm freelancer ngày càng nở rộ, thích hợp với lối sống của nhiều bạn trẻ hiện nay. Mặc dù vậy, để thực sự theo đuổi được xu hướng này, lời khuyên cho các bạn trẻ là phải luôn chủ động, lên kế hoạch cụ thể và chi tiết cho tương lai của mình.

Link nội dung: https://tintuc365.net/freelancer-la-nghe-gi-ha-chau-cau-hoi-gay-sat-thuong-nhat-tet-nay-doi-voi-hoi-lam-tu-do-a5705.html