Những người mê tranh hơn… tiền
Tháng 3 năm nay tôi có dịp ghé thăm Bảo tàng tư nhân Quang San. Chủ nhân của Bảo tàng tư nhân Quang San là ông Nguyễn Thiều Quang, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Trong mắt giới họa sĩ Việt và người yêu hội họa Việt, ông Thiều Quang là một nhà sưu tập lớn. Hiện tại, Bảo tàng Quang San lưu giữ khoảng 1.500 tác phẩm của các họa sĩ Việt từ thời mỹ thuật Đông Dương đến nay. Con số này không dừng lại, bởi nhà sưu tập vẫn tiếp tục hành trình đi tìm những bức tranh đẹp, theo “gu” của ông. Để có một gia tài tranh tư nhân giàu có nhất nhì Việt Nam, nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang và người thân đã đổ nhiều mồ hôi, công sức, tiền bạc.
Tranh Đặng Xuân Hoà thuộc sở hữu của NST Nguyễn Thiều Quang |
Doanh nhân Nguyễn Thiều Quang may mắn sinh ra trong một gia đình yêu và lấy văn nghệ làm nghiệp. Cha ông là cố nhà văn Nguyễn Xuân Thiều, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 5 (2017). Nguyễn Thiều Quang không bén duyên với văn chương mà mê mĩ thuật. Thời tuổi trẻ, vì những lý do khách quan, ông không thể theo học ngành kiến trúc như mong muốn mà chuyển sang học ngành xây dựng.
Những năm tháng du học ở trời Tây đã nuôi dưỡng tình yêu hội họa trong ông. Nguyễn Thiều Quang có điều kiện tham quan những bảo tàng mỹ thuật lớn và bắt đầu có ý thức sưu tập tranh. Những bức tranh đầu tiên ông sở hữu là tranh Tây. Những năm 1998-1999, trở về nước sinh sống và làm việc, được tiếp xúc nhiều với tranh Việt Nam và các họa sĩ Việt Nam, ông chuyển sang chơi tranh Việt.
Nhưng doanh nhân không chơi tranh như một trò giải trí bình thường, Nguyễn Thiều Quang muốn làm một điều lớn lao hơn, đi một con đường dài hơn: Tái hiện tiến trình phát triển hội họa Việt từ buổi sơ khai đến nay.
Đặc biệt, ai đã đến bảo tàng tư nhân Quang San đều thấy rõ dụng ý của chủ nhân: Ông đã dùng tranh vẽ lịch sử Việt, từ thuở khói bom đến năm tháng yên bình. Ý thức: “Tôi là người Việt Nam” của vị doanh nhân này rất rõ ràng, ngay cả trong sưu tập tranh.
Nguyễn Thiều Quang không quên nhắc đến những nhà sưu tập tranh tiền bối ở Việt Nam. Chính tình yêu hội họa của họ đã truyền cảm hứng tích cực cho ông. Thiều Quang kể: “Nhà sưu tập lớn đầu tiên để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi chính là Đào Danh Anh. Đào Danh Anh cũng là người mua được nhiều nhất từ bộ sưu tập của nhà sưu tập hàng đầu Đức Minh. Có những khi Danh Anh phải bán nhà, bán tài sản để mua tranh”.
Nguyễn Thiều Quang lại may mắn mua được một số tác phẩm quý từ nhà sưu tập Đào Danh Anh: “Mua của Đào Danh Anh rất khó. Vì ông ấy yêu tranh hơn yêu tiền. Bán đi một bức tranh ông ấy vật vã chỉ muốn đòi lại, dù ông ấy rất quý tôi. Đào Danh Anh hứa hẹn, nếu tôi làm bảo tàng, ông sẽ bán cho tôi một số bức. Đồng ý như thế nhưng mãi mới chịu “gả con”.
Một số tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Đặng Xuân Hoà thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang |
Tác phẩm họa cảnh nông thôn của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật năm 2000-PV) được Đào Danh Anh mua từ nhà sưu tập Đức Minh. Sau đó, bán lại cho nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang.
Vị doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng nhớ lại: “Sau khi đưa tranh cho tôi, ông ấy ngồi ở cầu thang, tôi có cảm giác ông ấy không thở nổi”. Khi Thiều Quang kể đến đây, người viết bài bỗng nhớ câu nói của ông khi ông đưa tôi thăm Bảo tàng Quang San: “Tôi không kiếm sống bằng tranh”.
Những nhà sưu tập gạo cội như Đức Minh, Đào Danh Anh… đến với tranh Việt trước hết vì đam mê, vì tình yêu. Họ thường kinh doanh ở những lĩnh vực khác mới có điều kiện để chơi tranh. Được biết nhà sưu tập Đức Minh vốn là một người buôn bán kim hoàn giàu có. Còn nhà sưu tập Đào Danh Anh sinh ra trong một gia đình buôn bán đồ cổ ở phố cổ Hà Nội.
Tôi hỏi Nguyễn Thiều Quang: “Ông có thể tiết lộ bức tranh nào khiến ông phải chi nhiều tiền nhất?”. Doanh nhân-nhà sưu tập lái câu trả lời sang hướng khác: “Với tôi, bức chi nhiều tiền nhất chưa chắc thích nhất”.
Ông lấy ví dụ, bức của danh họa Nguyễn Gia Trí khiến ông phải chi nhiều song với khách thưởng lãm và cá nhân ông, lại chưa chắc thích bằng tác phẩm của danh họa Nguyễn Tường Lân. Bởi gia tài tranh của danh họa Nguyễn Tường Lân để lại cho đời quý và hiếm, một nhà sưu tập bôn ba khắp nơi như Thiều Quang cũng chỉ được trông thấy chừng 7 - 8 bức. Tranh của Nguyễn Tường Lân được Nguyễn Thiều Quang rước về từ Pháp, là một trong những “báu vật” vô giá ở Bảo tàng Quang San.
Một kênh đầu tư tốt
Theo nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang, khi người ta đã đủ đầy về vật chất thì một nhu cầu khác nảy sinh: Nhu cầu hưởng thụ văn hoá. Thêm nữa, tranh lại có giá, giữ tranh có khi còn tốt hơn giữ nhà cửa, đất đai. Doanh nhân Thiều Quang nói vui: “Đã qua thời người ta mang cả tấm sơn mài che cửa sổ hay để làm bàn nước”.
Nhà sưu tập Phùng Thị Thu Thủy tại triển lãm “Thu Phong” |
Giám đốc công ty Goldsun Media, khu vực phía Nam, ông Đặng Quốc Tuấn cũng là một nhà sưu tập tranh, nhìn nhận: “Hiện tại GDP của Việt Nam đang còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới nên tranh Việt Nam đang có giá rất tốt. Tranh của họa sĩ Việt Nam vẫn đang là một kênh đầu tư tốt so với các loại hình đầu tư như: Bất động sản, chứng khoán, tiền ảo… Đặc biệt với số tiền nào cũng có thể đầu tư được, dù nguồn tài chính hạn hẹp hay dồi dào”.
Theo ông Đặng Quốc Tuấn, chơi tranh mang lại lợi ích cho cả nhà sưu tập lẫn họa sĩ: “Tranh giúp thay đổi không gian sống, mang lại vẻ đẹp tinh tế, thẩm mỹ cho chủ nhà. Ngoài ra, tranh cũng tăng giá theo sự tăng trưởng của GDP, trong điều kiện thuận lợi và may mắn tranh còn tăng giá nhanh hơn nhiều lần so với mức tăng trung bình GDP”.
Ông hi vọng thú vui sưu tầm tranh của doanh nhân Việt là cánh tay nối dài cho họa sĩ Việt thêm “đất diễn” và thị trường tranh Việt có thêm nhiều cơ hội.
Khi tôi đang viết bài báo này, họa sĩ Đào Hải Phong bận rộn với triển lãm “Thu Phong” tại TPHCM sau 25 năm xa cách. Ở thời vàng son, Đào Hải Phong chủ yếu bán tranh cho khách Tây, nay chủ yếu bán cho khách Việt. Người mở hàng đầu tiên cho màn solo sau nửa thế kỷ của Đào Hải Phong chính là bà chủ của nhà hàng “Ngon” nổi tiếng thủ đô. Bà là một “fan” của tranh Phong. Một vị khách đặc biệt khác của “Thu Phong” chính là nữ doanh nhân Phùng Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Trường Quốc tế (Rich Field). CEO Phùng Thị Thu Thủy chia sẻ cảm xúc sau khi thưởng ngoạn “Thu Phong”: “Tôi rất thích bộ sưu tập này của Đào Hải Phong”. Nữ doanh nhân chơi tranh, thậm chí mở cả gallery không vì lợi nhuận: “Tôi may vì có công việc khác của gia đình nên không lo về lợi nhuận”, bà nói.
Cần “đôi mắt xanh” tinh tường
Nhiều người nói: Doanh nhân chơi tranh bởi vì họ có tiền. Nhưng chơi tranh là chơi một môn nghệ thuật nên chỉ có tiền vẫn là chưa đủ. Họ cần con mắt xanh tinh tường khi quyết định mua hay không mua một tác phẩm. Nguyễn Thiều Quang là một trong những nhà sưu tập sở hữu nhiều tranh của họa sĩ sơn dầu số một hiện nay: Đặng Xuân Hoà. “Tôi có chừng 50 bức của Đặng Xuân Hoà. Những năm 90 tôi đã thích tranh của anh hòa và bắt đầu mua”, ông bật mí.
Nếu nói đến một trong những bức tranh khiến nhà sưu tập Thiều Quang phải vất vả nhất trong khâu vận chuyển, chính là tác phẩm của Đặng Xuân Hoà, phải mất 2 năm ông mới đưa được nó từ nước ngoài về Việt Nam, bởi do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Phu nhân của hoạ sĩ Đặng Xuân Hoà cũng ngỡ ngàng khi biết những đứa con tinh thần của chồng mình lưu lạc ở nước ngoài đã được trở về nước, sống dưới mái nhà Quang San.
Link nội dung: https://tintuc365.net/thu-choi-tranh-cua-doanh-nhan-viet-a59399.html