Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - HoSE: PLX) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với 78.383 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp gần 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Với hơn 50% thị phần trong nước, phần lớn mức tăng doanh thu kể trên của nhà bán lẻ này đến từ mảng kinh doanh xăng dầu.
Doanh thu hoạt động tài chính của Petrolimex trong quý IV cũng tăng gấp 3,1 lần, lên mức 920 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng lên mức 560 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng tăng 34%, song chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10% so với cùng kỳ 2021.
Nhờ nguồn thu tăng mạnh, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của Petrolimex quý cuối cùng của năm 2022 đạt 1.358 tỷ đồng, tăng gấp 2,25 lần. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác, nhà bán lẻ xăng dầu này báo lãi trước thuế 1.646 tỷ đồng trong quý IV, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2021.
Cả năm 2022, Petrolimex đạt 304.080 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 80% song lãi sau thuế giảm 39% còn 1.912 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 4% còn biên lãi thuần là 0,62% năm 2022.
Tháng 12/2022, Tập đoàn đã được thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Doanh thu điều chỉnh tăng 29% so với chỉ tiêu cũ lên 240.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 90% còn 300 tỷ đồng. Như vậy, với 2.260 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022, Petrolimex đã vượt gấp 7,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận và vượt 27% kế hoạch doanh thu.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản tại thời điểm 31/12/2022 đạt 73.811 tỷ đồng, tăng gần 14% so với hồi đầu năm. Chỉ tiêu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn với hơn 18.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, tập đoàn còn đầu tư 4.200 tỷ đồng vào trái phiếu, trong đó là 1.000 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 3.200 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Năm 2022, khoản tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu đem về cho tập đoàn 867,3 tỷ đồng tiền lãi.
Tại ngày 31/12/2022, giá trị hàng tồn kho là 17.234 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng gần 68 tỷ đồng. Nợ phải trả tính tới cuối tháng 12/2022 là 46.003 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 27.807 tỷ đồng, bao gồm 2.970 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
2022 là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu do thị trường trong nước có nhiều bất ổn. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động dưới công suất trong nửa đầu năm và việc chậm điều chỉnh các chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã khiến các nhà phân phối gặp rất nhiều khó khăn, khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Do đó, các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex, PV Oil phải tăng nguồn hàng nhập khẩu để đảm bảo xăng dầu cho thị trường nội địa, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biến không thuận lợi và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty.
SSI Research dự phóng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex sẽ phục hồi mạnh lên khoảng 3.400 tỷ đồng năm 2023, tăng mạnh so với mức đáy 2022 nhờ giá dầu cũng như chuỗi cung ứng ổn định hơn.
Cùng với đó, việc Nhà nước điều chỉnh tăng các chi phí định mức trong công thức tính giá bán lẻ xăng dầu sẽ có tác động rõ ràng hơn trong năm 2023.
Theo các chuyên gia, thị phần của Petrolimex có thể tiếp tục cải thiện trong những năm tới do các cửa hàng nhỏ lẻ có xu hướng chuyển sang mua của các đầu mối lớn với nguồn cung ổn định. Các mảng kinh doanh khác như nhiên liệu bay hay nhựa đường có thể được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc mở cửa và đầu tư công.
Link nội dung: https://tintuc365.net/petrolimex-co-gan-23000-ty-dong-gui-ngan-hang-va-dau-tu-trai-phieu-a6621.html