Thưa ông, ông có thể đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long trong thời gian gần đây?
Ông Masuoka Hiroyoshi: Với những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và nhờ mối quan hệ ngày càng phát triển sâu rộng giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản, nhiều công ty Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam để đầu tư. Năm 1996, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đi đầu tham gia liên doanh đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long - điển hình trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Hà Nội. Đến nay, Tập đoàn Sumitomo đang vận hành 3 KCN lớn là: KCN Thăng Long (tại Hà Nội), KCN Thăng Long II (tại Hưng Yên) và KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (tại Vĩnh Phúc).
KCN Thăng Long Hà Nội được thành lập và phát triển bởi Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long (liên doanh giữa tập đoàn Sumitomo Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh - Licogi) từ năm 1997 với mục tiêu xây dựng một KCN hiện đại tại Thủ đô Hà Nội, nhằm thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến từ các nhà đầu tư nước ngoài, làm bàn đạp đẩy mạnh sự phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn Thủ đô.
Từ khi thành lập đến nay, KCN Thăng Long đã được xây dựng và trang bị những cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng cao để làm hài lòng các khách hàng có yêu cầu khắt khe đến từ nước phát triển như Nhật Bản. Đây là khu công nghiệp với hạ tầng hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường gồm nhà máy nước, nhà máy xử lý nước thải, trạm điện, trạm viễn thông, ATM, bưu điện... nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhà đầu tư. Chính nhờ vậy mà đã thu hút được các nhà đầu tư chất lượng từ các nước phát triển như Canon, Panasonic, TOTO, Yamaha, Sumitomo,.... KCN Thăng Long đã được lấp đầy từ năm 2008, với các ngành nghề chủ yếu là điện, điện tử, cơ khí chính xác, sản phẩm công nghệ cao, phụ tùng ô tô, thiết bị vệ sinh cao cấp....
Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH KCN Thăng Long đã và đang tiếp tục xây dựng, phát triển KCN Thăng Long thành KCN kiểu mẫu và chất lượng dịch vụ tốt nhất tại Thủ đô, cũng như cả nước.
KCN đã thu hút được các nhà đầu tư chất lượng, với các ngành nghề và lĩnh vực theo đúng mục tiêu ban đầu, đến nay vẫn đang phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của chính phủ Việt Nam và thủ đô Hà Nội cho giai đoạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Vì vậy các nhà sản xuất trong KCN luôn yên tâm sản xuất, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng sản xuất tại nhà máy trong KCN.
Hiện tại, KCN Thăng Long có hơn 100 nhà sản xuất là các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản và các doanh nghiệp này hài lòng với hạ tầng khu công nghiệp cũng như môi trường đầu tư ở đây. Sau đại dịch COVID-19, mặc dù tình hình chung của thế giới có nhiều khó khăn, các doanh nghiệp các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn quan tâm tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp sản xuất tiếp tục mở rộng thêm quy mô sản xuất tại Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng, chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Masuoka Hiroyoshi: Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam; tháng 11/2003, hai nước đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng tăng đều qua các năm.
Với hơn 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư đạt gần 70 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản đã có mặt tại hầu khắp các địa phương của Việt Nam (57/63 địa phương). Nhiều dự án đầu tư của Nhật Bản có quy mô lớn, trình độ công nghệ hiện đại, quy trình quản lý tiên tiến đã góp phần giúp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư với hai xu hướng chủ yếu là hướng tới sản xuất công nghệ cao, đầu tư theo hướng phát triển bền vững. Nếu như các nhà sản xuất trước đây chỉ mở nhà máy sản xuất lắp ráp đơn giản, thuê lao động giản đơn, thì hiện nay các nhà sản xuất sản xuất các sản phẩm tiên tiến hơn ở Việt Nam với máy móc và thiết bị công nghệ cao, do đó tôi nghĩ rằng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần chuẩn bị lực lượng lao động lành nghề cho các nhà đầu tư công nghệ cao trong thời gian tới.
Thứ hai, là xu hướng của các nhà đầu tư hiện này là quan tâm chú trọng về đầu tư phát triển nền kinh tế xanh, do đó, các nhà đầu tư ưu tiên thành lập nhà máy ở nơi có thể lắp đặt sử dụng năng lượng tái tạo, đây trở thành yếu tố quan trọng để lựa chọn quốc gia đầu tư. Và tôi cho rằng, Việt Nam cần có chuẩn bị giải pháp phù hợp với chính sách của Chính phủ để tăng cường giải pháp cho phát triển bền vững với tăng trưởng xanh.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản
Ông đánh giá như thế nào về chính sách cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và của TP. Hà Nội nói riêng về việc đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh…
Ông Masuoka Hiroyoshi: Thời gian qua, tôi thấy rằng bên cạnh việc triển khai có hiệu quả giai đoạn 9 của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cầu nối để doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực... khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, nhất là những doanh nghiệp gia đình truyền thống có các công nghệ cần chuyển giao để xem xét hợp tác chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tôi cũng được biết phía Việt Nam đang nghiên cứu, hợp tác với Nhật Bản để triển khai Chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Chính phủ Nhật Bản nhằm tạo điều kiện để một số doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đồng thời phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam hoặc tìm kiếm các đối tác, nhà cung ứng Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.
Việt Nam hiện nay là đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản. Chúng tôi, những doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản thấy rằng có chung nhận thức với Chính phủ Việt Nam và chính quyền TP. Hà Nội về mục tiêu phát triển xanh và bền vững, cũng như ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao.
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam luôn cởi mở thảo luận về "làm thế nào để cải thiện quy định pháp luật và hướng dẫn thực hiện" với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đây là một quá trình rất độc đáo và minh bạch trong các nước ASEAN. Thông qua quy trình công khai và minh bạch này, doanh nghiệp FDI chúng tôi tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam rằng các quy định và hướng dẫn có tính khả thi thực tế sẽ được ban hành.
Tuy nhiên, do hiện nay, từ chính sách vĩ mô đến tiến trình triển khai trong thực tế hiện còn có một số khó khăn, tức là quy định và hướng dẫn chưa rõ ràng đối với các doanh nghiệp FDI, cho nên chúng tôi mong muốn những bước triển khai cụ thể cần được rõ ràng hơn để doanh nghiệp FDI dễ dàng thực hiện để đạt mục tiêu cùng Chính phủ Việt Nam.
Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và có các hoạt động song phương tại Nhật Bản. Ông có kỳ vọng gì trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Nhật Bản lần này?
Ông Masuoka Hiroyoshi: Năm 2023, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và chúng ta cũng được biết hai nước đã nhất trí về quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng trước.
Trong 50 năm qua, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều dấu mốc quan trọng, khuôn khổ hợp tác giữa hai nước không ngừng được nâng cấp.
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác song phương cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, đối tác lao động thứ hai, đối tác du lịch, đầu tư thứ ba và đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam. Tôi hiểu rằng, Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước đều nhất trí đánh giá quan hệ hai nước đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Trong đó, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng, là điểm sáng trong quan hệ hai nước, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao, tiềm năng hợp tác lớn, liên kết kinh tế giữa hai nước ngày càng chặt chẽ.
Tôi cũng trở về Nhật Bản trong thời gian này để tham gia sự kiện đón Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Nhật Bản. Đây là một vinh dự và chúng tôi mong được chứng kiến sự đồng hành của lãnh đạo Chính phủ hai nước đối với các doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao của hai nước sẽ củng cố cam kết tiếp tục thắt chặt quan hệ đối tác và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam. Đây là nền tảng trọng để các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản tiếp tục tìm hiểu và quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Anh (thực hiện)
Link nội dung: https://tintuc365.net/chuyen-cong-tac-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-toi-nhat-ban-se-tao-niem-tin-manh-me-cho-cac-nha-dau-tu-a72530.html