Lô trái phiếu EBCCH2124002 giá trị 1.000 tỷ đồng được phát hành ngày 26/4/2021, đáo hạn ngày 26/4/2024. Trong giai đoạn lãi suất tăng cao năm 2022, BCG Energy đã điều chỉnh mức lãi suất cho lô trái phiếu này là 14%/năm cho kỳ tính lãi ngày 26/10/2022 đến ngày 26/4/2023. Các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ trở về mức cố định 10%/năm.
Lô trái phiếu thứ hai mã EBCCH2124003 có giá trị 1.500 tỷ đồng, phát hành ngày 24/5/2021 và đáo hạn ngày 24/5/2024. Tương tự lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng phát hành trước đó, BCG Energy đã thương lượng với trái chủ và điều chỉnh lãi suất, lô trái phiếu này có lãi suất áp dụng đối với kỳ tính lãi từ 24/11/2022 đến 24/11/2023 là lãi suất cố định 14%/năm. Lãi suất áp dụng đối với các kỳ tính lãi còn lại của trái phiếu cố định 10%/năm.
Hai lô trái phiếu này được huy động để phát triển dự án điện gió Khai Long tại Cà Mau. Được biết, Nhà máy điện gió Khai Long là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất trong danh mục đầu tư của BCG Energy hiện tại, có tổng công suất 300 MW với tổng đầu tư 18.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 17 trụ điện gió với tổng công suất 100 MW, mức đầu tư dự kiến hơn 6.300 tỷ đồng.
BCG Energy cho biết mục đích mua lại 2 lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng là để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu sử dụng vốn của BCG Energy. Tính đến cuối tháng 9/2023, vốn chủ sở hữu của BCG Energy là 7.036 tỷ đồng, tổng tài sản 19.577 tỷ đồng; nợ phải trả của BCG Energy là 12.541 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đang là 1,78 lần. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, BCG Energy đạt doanh thu 894 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất mua lại toàn bộ 2.500 tỷ đồng trái phiếu này vào ngày 16/12, tỷ lệ đòn bẩy của BCG Energy đã giảm mạnh về quanh mức 1 lần, đây là mức đòn bẩy an toàn và thấp đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc mua lại 2 gói trái phiếu này giúp BCG Energy giảm chi phí tài chính hiện hữu và có dư địa để huy động vốn, tối ưu dòng tiền để phát triển các dự án trong kế hoạch.
BCG Energy là công ty thành viên trụ cột của Tập đoàn Bamboo Capital, phụ trách mảng năng lượng tái tạo. BCG Energy đã xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn là BCG Long An 1, BCG Long An 2, BCG Vĩnh Long, BCG Phù Mỹ và BCG Gia Lai, bên cạnh đó BCG Energy còn phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Với hàng loạt dự án điện mặt trời đã được đấu nối vào lưới điện quốc gia, BCG Energy hiện đang là một trong những doanh nghiệp năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam. Ngoài việc đầu tư điện mặt trời và điện gió, BCG Energy đang chuẩn bị triển khai một số dự án đốt rác phát điện, và nhắm đến các loại hình năng lượng khác như điện khí, điện sinh khối,…
Tổng công suất năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động của BCG Energy tính đến thời điểm hiện nay là gần 700 MW. Công ty đang triển khai thêm 229 MW và có kế hoạch phát triển thêm 670 MW trong thời gian tới.
Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được thành lập giữa Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) đã cam kết sẽ huy động số tiền ban đầu đạt ít nhất 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới để giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Ngày 2/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) của JETP tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 28 của Liên Hợp Quốc (COP 28). Được biết, Giai đoạn 1 của Nhà máy điện gió Khai Long chính là một trong số ít các dự án được xem xét hỗ trợ.
Ý Thi
Link nội dung: https://tintuc365.net/bcg-energy-hoan-tat-mua-lai-2500-ty-trai-phieu-truoc-han-a72734.html