Mảng màu xám trong bức tranh kinh doanh thủy sản quý IV/2022

Cuối năm 2022, ngành thuỷ sản chịu nhiều tác động do ảnh hưởng bởi thị trường, điều này điều này thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh bấp bênh của các doanh nghiệp.

Năm 2022 là một năm đáng nhớ với ngành thuỷ sản nói chung và các doanh nghiệp thuỷ sản nói riêng. Cụ thể, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam chính thức cán mốc 11 tỷ USD, con số kỷ lục chưa từng có. Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. 

Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), đó là kết quả thành công của 3 quý đầu năm liên tục tăng trưởng dương ở mức cao từ 34-46% so với cùng kỳ năm trước. Sang quý IV, xu hướng xuất khẩu đã đảo chiều sang tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường.

Trước những tín hiệu trên của thị trường, doanh nghiệp thuỷ sản được dự báo sẽ phải chịu nhiều tác động. Điều này thể hiện rõ nét qua tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thuỷ sản trong năm 2022.

Kinh doanh kém sáng do lạm phát

Theo báo cáo tài chính mới công bố, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) ghi nhận doanh thu thuần trong quý IV/2022 đạt 1.210 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Do mức giảm của doanh thu lớn hơn mức giảm của giá vốn hàng bán nên dù chi phí hàng bán tiết giảm 15% nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn giảm từ 201,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 154,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng trong quý giảm hơn 53% xuống chỉ còn 36 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh lần lượt 396% và 19% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến sau khi khấu trừ các chi phí, công ty thu về 81 tỷ đồng lợi nhuận trong quý IV, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2021

Nguyên nhân sự giảm trên được phía công ty lý giải là do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ của FMC cũng bị trầm lắng, doanh số bán hàng chỉ đạt 84% so với quý trước.

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 5.701 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2021. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là doanh thu đến từ bán thuỷ sản đạt hơn 5.488 tỷ đồng, chiếm 96% tổng cơ cấu. 

Sau thuế, công ty báo lãi 319 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Kết quả này đã giúp công ty hoàn thành kế hoạch đề ra của cả năm.

Về tình hình tài chính doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Sao Ta ở mức 2.988 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận giảm 26%, còn gần 280 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho cũng giảm nhẹ xuống còn 929 tỷ đồng. 

Chia sẻ với truyền thông tại Lễ mừng xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta, ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Năm 2022 đi qua, để lại cho ngành thủy sản bao vui buồn lẫn lộn. Vui vì đầu năm với những con số tăng trưởng bất ngờ đầy phấn chấn, tự hào. Buồn vì cuối năm khi sản xuất, tiêu thụ giảm quá lớn, cũng có phần bất ngờ và đáng lo hơn là hệ quả chưa dừng lại”.

Chính vì vậy, theo ông Lực, các doanh nghiệp thuỷ sản cần chú trọng lớn nhất là làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao; chú trọng nâng cao năng suất thông qua trang bị các công cụ hỗ trợ; đồng thời coi trọng sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường từng giai đoạn, đi liền là sản phẩm tập trung tương ứng cũng như chọn lọc lại các khách hàng phù hợp.

Tại một diễn biến khác, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (HoSE: IDI) ghi nhận tình hình đối nghịch giữa doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2022. Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do biên độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn mức tăng của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp trong quý giảm 11% so với quý IV/2021. Đồng thời, các chi phí trong kỳ của công ty đều phát sinh mạnh, điển hình, chi phí tài chính đạt 103 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 21 tỷ đồng, tăng lần lượt 114% và 144%.

Cấn trừ đi các chi phí, IDI thu về 25 tỷ đồng tiền lãi trong quý IV, giảm 70,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong năm của IDI.

Luỹ kế năm 2022, tổng doanh thu của IDI đạt 7.937 tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm 2021. Xét về cơ cấu doanh thu, hàng hóa và thành phẩm cá tra chiếm đa số với 54%, tương đương 3.580 tỷ đồng. 

Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 559 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 291% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả trên chỉ giúp IDI hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận đề ra năm 2022.

Xét về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của IDI đạt 8.112 tỷ đồng, tăng 7%. Chỉ số hàng tồn kho đến ngày 31/12/2022 đạt 1.515 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với đầu năm. Dư nợ phải trả của IDI ghi nhận 4.749 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn trên 3.877 tỷ đồng, vay dài hạn 193 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngược dòng thị trường

Khác với các doanh nghiệp trên, nhờ các sản phẩm chế biến, Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) đã trải qua quý IV với những tín hiệu khả quan. Cụ thể, doanh thu của công ty đạt 1.144 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng 8%. 

Trong quý, Nam Việt thu về 36 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận sự tiết giảm tối đa.

Nam Việt cho biết so với cùng kỳ năm trước, sản lượng bán cá tra đông lạnh giảm nhưng sản lượng bán chả cá và giá bán chả cá tăng nên lợi nhuận gộp đã tăng 15%, lên mức 235 tỷ đồng. 

Theo giải trình từ phía công ty,  

Luỹ kế trong năm 2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 4.896 tỷ đồng, tăng 40,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 673 tỷ đồng, tăng 423% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Nam Việt đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 công ty không thể hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra năm 2022. 

Về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty là 5.467 tỷ đồng tăng 12% so với đầu năm. Bên cạnh đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 6% so với đầu năm, tương ứng còn 1.922 tỷ đồng.

Kỳ vọng phục hồi của toàn ngành thuỷ sản

Theo báo cáo mới công bố của VASEP, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Ước tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 31% đạt khoảng 600 triệu USD. Trong đó, cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%, riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.

Chuyên gia VASEP cho rằng bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. 

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU…

Trong bối cảnh đó, VASEP nhấn mạnh, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.

Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo.

Bên cạnh đó, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng và logistic cho sản xuất xuất khẩu ở khu vực trọng điểm ĐBSCL.

Link nội dung: https://tintuc365.net/mang-mau-xam-trong-buc-tranh-kinh-doanh-thuy-san-quy-iv2022-a7544.html