Thủy sản Mekong không hoàn thành nổi 10% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023

Sức mua hàng giảm, giá vốn chèn doanh thu khiến sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Mekong năm 2023 đạt 703 tỷ đồng, "bốc hơi" tới 96%.

Là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên công bố tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2023 nhưng Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong (HoSE: AAM) lại ghi nhận tín hiệu không mấy khả quan với quý thứ hai liên tiếp báo lỗ.

Cụ thể,  quý IV/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 37,8 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng cao, gần bằng doanh thu khiến lợi nhuận gộp của Thủy sản Mekong đạt vỏn vẹn 87 triệu đồng trong quý IV/2023.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng giảm mạnh 63%, từ 2,6 tỷ đồng xuống còn 1,01 tỷ đồng. Nguyên nhân là do khoản lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỉ giá sụt giảm so với quý IV/2022.

Sau khi trừ chi phí, Thủy sản Mekong ghi nhận lỗ 380 triệu đồng, trong khi cùng kỳ có lãi. Trước đó, công ty ghi nhận lỗ hơn 1 tỷ đồng vào quý III/2023. Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế, Thủy sản Mekong cho biết tình hình bán hàng những tháng cuối năm của công ty gặp nhiều khó khăn, bán hàng chậm và giá bán thấp, do thị trường bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến doanh thu giảm.

Với kết quả kinh doanh cuối năm ảm đạm, bức tranh tình hình sản xuất kinh doanh chung của Thủy sản Mekong chìm trong màu xám với xu hướng đi lùi ở cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 136,7 tỷ đồng, giảm 35% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 797 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 703 triệu đồng, giảm 96% so với năm 2022.

Năm 2023, Thủy sản Mekong đặt mục tiêu doanh thu đạt 180 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 7,9% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Thủy sản Mekong đạt 212,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 123% đạt 22,8 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối năm của công ty đạt 127 tỷ đồng, tăng 25%.

Đáng chú ý, tiền gửi trên 3 tháng của công ty được ghi nhận tại khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ 49 tỷ đồng đầu năm xuống còn 5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu tài chính của công ty sụt giảm.

Dư nợ tính đến cuối quý IV/2023 của Thủy sản Mekong đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 13% so với số đầu năm. Đáng chú ý, sau nhiều năm, công ty vẫn không có vay nợ tài chính.

Trên thị trường, cổ phiếu AAM của công ty có giá chốt phiên ngày 12/1 là 9.560 đồng/cổ phiếu, giảm 0,1% so với số tham chiếu.

Tại một diễn biến khác, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2023 vừa qua, lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 9 tỷ USD, tương ứng giảm 17% so với năm trước.

Năm 2024, các chuyên gia VASEP dự báo, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ – 10 tỷ USD trong năm 2024, cao hơn khoảng 3%-8% so với thực hiện năm 2023.

Link nội dung: https://tintuc365.net/thuy-san-mekong-khong-hoan-thanh-noi-10-chi-tieu-loi-nhuan-nam-2023-a76749.html