Gang thép Thái Nguyên tiếp tục lỗ nặng, vay nợ hơn 4.400 tỷ đồng

Gang thép Thái Nguyên tiếp tục gặp khó khăn về tài chính khi dành phần lớn tài sản được hình thành từ nợ phải trả để dồn cho dự án Nhà máy gang thép - giai đoạn 2.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Gang thép Thái Nguyên (Tisco - UPCoM: TIS) ghi nhận 2.741,4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán lên tới 95,3%, tăng thêm 2,2%, tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp của Gang thép Thái Nguyên giảm mạnh 67,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Trừ các chi phí, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận lợi nhuận sau thuế 15,6 tỷ đồng, trong khi quý IV/2022 lỗ 16,8 tỷ đồng, thoát chuỗi 5 quý thua lỗ liên tiếp.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan vào quý cuối năm không giúp Gang thép Thái Nguyên thoát khỏi cảnh bết bát.

Luỹ kế cả năm 2023, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu 9.351,3 tỷ đồng và lỗ sau thuế 179,2 tỷ đồng, trong khi năm trước đó đạt 11.699,4 tỷ đồng doanh thu và chỉ lỗ 9,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ nặng nề bởi biên lãi gộp giảm mạnh. Cụ thể, năm 2022, biên lãi gộp của doanh nghiệp là 3,7%, sang đến năm 2023 chỉ còn 1,9% bằng đúng chi phí lãi vay. Trong khi đó công ty còn phải gánh chịu chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Gang thép Thái Nguyên là 10.251 tỷ đồng, ngang với năm 2022. Trong đó, doanh nghiệp dành tới 6.626,7 tỷ đồng để triển khai dự án "Cải tạo mà mở rộng sản xuất công ty gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2" với tổng chi phí dự toán ban đầu là 3.843,7 tỷ đồng và dự toán đầu tư sau điều chỉnh là 8.104,9 tỷ đồng.

Về dự án này đã kéo dài nhiều năm, hiện tại dự án đang gặp khó khăn trong việc triển khai và chờ được cơ quan Nhà nước tháo gỡ vướng mắc.

Trước đó, vào năm 2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can 14 đối tượng liên quan đến những sai phạm xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Ngày 11/11/2021, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành bản án số 531/2021/HS-PT liên quan đến Dự án. Theo bản án, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là số tiền lãi suất thực tế Gang thép Thái Nguyên đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án là 830,2 tỷ đồng, các bị cáo được nêu trong bản án phải bồi thường cho công ty số tiền nêu trên.

Đến ngày 31/12/2023, công ty đã nhận được số tiền bồi thường là 78,8 tỷ đồng từ Cục Thi hành án dân sự Tp.Hà Nội. Đây là số tiền thu được từ các bị cáo. Công ty ghi giảm chi phí lãi vay đã vốn hoá của dự án tương ứng với số tiền nêu trên.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Gang thép Thái Nguyên lên tới 8.546 tỷ đồng - gấp 5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ vay là 4.474 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn là 2.139 tỷ đồng.

Có thể thấy, Gang thép Thái Nguyên vẫn đang ngặp khó khăn về tài chính khi dành phần lớn tài sản được hình thành từ nợ phải trả dồn cho dự án nhà máy gang thép, tuy nhiên dự án này gặp vướng mắc chưa thể triển khai dẫn đến ách tắc nguồn vốn.

Tính đến ngày 31/12/2023, trong 6.626,7 tỷ đồng ghi nhận đầu tư vào dự án có tới 3.413 tỷ đồng được vốn hóa từ lãi vay.

Tại cuộc họp về phương án xử lý dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (Tisco 2) hồi tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương nhấn mạnh, Tisco 2 là là dự án rất phức tạp, chủ yếu là vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC.

Đối với dự án này Thanh tra Chính phủ đã có kết luận. Cơ quan chức năng đã xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc trong xử lý vấn đề liên quan đến kinh tế. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC trước rồi mới đề xuất các nội dung tiếp theo.

Link nội dung: https://tintuc365.net/gang-thep-thai-nguyen-tiep-tuc-lo-nang-vay-no-hon-4400-ty-dong-a77616.html