Mở ra cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ trong chuyển đổi xanh

(Chinhphu.vn) - Sự kiện Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos và tham dự các cuộc đối thoại với doanh nghiệp Thụy Sĩ sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Thụy Sĩ, trong đó có lĩnh vực chuyển đổi xanh.

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 đến ngày 23/1/2024, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương.

Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và tre công nghiệp công nghệ cao, đã và đang có hợp tác quan trọng với đối tác Thụy Sĩ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ đang có nhiều tiềm năng hợp tác sâu rộng dựa trên thế mạnh của mỗi nước. Thụy Sĩ là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới với thế mạnh về tài chính ngân hàng, dịch vụ du lịch - khách sạn, y dược, chế tạo máy và nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực như sản xuất cơ khí chính xác, năng lượng xanh, chuyển đổi xanh.

Những thế mạnh của Thụy Sĩ cũng chính là những lĩnh vực Việt Nam đang cần đầu tư phát triển. Hơn nữa, Việt Nam là nước có lực lượng lớn lao động trẻ có trình độ với nhiều nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất là điều mà Thụy Sĩ cần.

"Do vậy, việc hai nước hợp tác sâu rộng chắc chắn sẽ có lợi cho cả hai trong ngắn và dài hạn", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Đánh thức tiềm năng còn 'ngủ quên'

Chia sẻ về hợp tác của doanh nghiệp với Thụy Sĩ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, từ năm 2015, Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương đã sở hữu nhà máy sản xuất tre ép tấm công nghiệp lớn nhất Việt Nam đặt tại Cụm công nghiệp Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đi châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản…và trở thành nguyên vật liệu sản xuất nội thất cho nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Để hướng đến tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn và thân thiện môi trường hơn trong ngành xây dựng, từ năm 2016, Công ty đã cùng với đối tác Thụy Sĩ là Công ty BARD AG - công ty nội thất cao cấp hàng đầu của Thụy Sĩ để nghiên cứu phát triển sản phẩm ván ép từ tre của Việt Nam phục vụ cho xây dựng nhà và nội thất. Đây là sản phẩm xanh đáp ứng nhu cầu rất lớn cho ngành xây dựng trong xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới.

"Hiện tại chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trong năm 2024 sẽ bắt đầu xây dựng Nhà máy sản xuất sản phẩm ván tre OSB đầu tiên tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 26 ha, có tổng đầu tư 3.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, tự động hoá hoàn toàn của Châu Âu", ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.

Nhà máy có công suất tối thiểu 225.000 m3/năm, mỗi ngày sẽ tiêu thụ 1.000 tấn tre cho bà con nghèo vùng cao, tạo ra hơn 3.000 công ăn việc làm người nông dân trồng tre tại khu miền núi phía bắc Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thanh Hoá có diện tích luồng lớn nhất Việt Nam là 78.000 ha, tuy nhiên lại chưa được khai thác hiệu quả. Dự án sẽ giúp hiện thực hoá được tiềm năng kinh tế to lớn về tre luồng của tỉnh Thanh Hoá cũng như Việt Nam, giúp các huyện nghèo miền núi của Thanh Hoá phát triển bền vững và mở ra cơ hội phát triển bền vững cho tất cả các huyện miền núi của Việt Nam không chỉ riêng Thanh Hoá.

Dự án cũng giúp tạo ra cho thế giới một sản phẩm xanh trong ngành xây dựng và nội thất giúp chuyển đổi xanh, đồng thời giúp phát triển bền vững ngành tre Việt Nam, góp phần vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và thế giới, hướng đến mục tiêu cân bằng phát thải khí CO2 vào năm 2050.

Chính vì thế, ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ kỳ vọng lớn vào việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2024 và các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp Thụy Sĩ. Điều này sẽ mở ra cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Thụy Sĩ trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh.

"Dự án của chúng tôi hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm ván tre OSB sẽ là một trong những dự án lớn nhất của Thụy Sĩ vào Việt Nam từ trước đến nay. Do vậy, các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo cấp cao tại Thụy Sĩ sẽ có ý nghĩa quan trọng cho cả phía Việt Nam và Thụy Sĩ trong bối cảnh Việt Nam đang kêu gọi đầu tư từ Thụy Sĩ thuộc lĩnh vực chuyển đổi xanh", ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.

Hoàng Giang


Link nội dung: https://tintuc365.net/mo-ra-co-hoi-hop-tac-cho-doanh-nghiep-viet-nam-thuy-si-trong-chuyen-doi-xanh-a78128.html