Vietjet "về đích" 34% mục tiêu lợi nhuận, tài sản tăng hơn 16.000 tỷ

Năm 2023, Vietjet hoàn thành vượt 25% mục tiêu doanh thu, dù báo lãi nhưng cũng chỉ đạt trên 34% mục tiêu lợi nhuận.

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 cho thấy doanh thu thuần đạt 18.797 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ 2022 (12.606 tỷ đồng). Đây cũng mức doanh thu quý cao nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận trong lịch sử. 

Giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng 16%, ở mức gần 18.899 tỷ đồng đã khiến hãng hàng không này tiếp tục duy trì tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, lỗ gộp ở mức gần 102 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ gộp này đã giảm gần 36 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, hoạt động tài chính của Vietjet khá sôi động với doanh thu đạt gần 2.717 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Ngược lại, chi phí tài chính cũng tăng đến 33% lên hơn 1.464 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay đến trên 618 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỉ giá hối đoái 392 tỷ đồng.

Hoạt động trong kỳ nhộn nhịp hơn cũng khiến công ty này gia tăng các loại chi phí. Theo đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng 78% và 189% lên gần 765 tỷ đồng và 552 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý IV, hãng bay này ghi nhận 461 tỷ đồng thu nhập khác và trên 17 tỷ đồng chi phí khác. Điều này giúp cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh quý của doanh nghiệp này.

Cụ thể, hãng bay này báo lãi sau thuế đạt trên 151 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt so với mức lỗ 2.449 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý IV, Vietjet cũng dành trên 2 tỷ đồng để trả tiền lương cho thành viên Hội đồng quản trị và 4,1 tỷ đồng trả tiền lương cho Ban Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng, lần lượt giảm 22% và 11% so với quý IV/2022. Trung bình mỗi thành viên Hội đồng quản trị nhận lương 77,7 triệu đồng/tháng và mỗi thành viên Ban Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng nhận 114 triệu đồng/tháng trong quý IV.

Lũy kế cả năm 2023, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 62.534 tỷ đồng, tăng gần 56% so với năm 2022. Lãi gộp đạt 2.917 tỷ đồng, trong khi năm 2022 hãng bay này phải chấp nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn.

Doanh thu hoạt động tài chính trong năm tăng 66%, đạt 3.730 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính cũng tăng thêm 23%, ở mức 3.050 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các loại chi phí khác cũng có mức tăng cao (chi phí bán hàng tăng 137% với 2.218 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 111% với 1.129 tỷ đồng).

Ngoài ra, Vietjet cũng ghi nhận thêm 1.316 tỷ đồng thu nhập khác và trên 263 tỷ đồng chi phí khác. Kết quả, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 343 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt với mức lỗ 2.261 tỷ đồng trong năm 2022.

Năm 2023, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là trên 50.178 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành vượt 25% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ đạt trên 34% mục tiêu lợi nhuận.

Thông tin thêm về tình hình kinh doanh, hãng hàng không này cho biết năm 2023 hãng đã khai thác an toàn 133.000 chuyến bay, vận chuyển 25,3 triệu khách, tăng 14,4% và 23% so với 2022, trong đó hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng 183%.

Vận chuyển hàng hóa của Vietjet chiếm gần 25% thị phần, trong năm 2023 Vietjet đạt 81.500 tấn, tăng 73% so với cùng kỳ.

Mạng bay quốc tế tiếp tục được Vietjet đặt trọng tâm phát triển trong năm 2023 với 16 đường bay quốc tế được mở mới, nổi bật như Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc), Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth, Adelaide (Australia)…nâng tổng số đường bay lên 125, trong đó 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội.

Hồ sơ doanh nghiệp - Vietjet 'về đích' 34% mục tiêu lợi nhuận, tài sản tăng hơn 16.000 tỷ

Năm 2023 Vietjet đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 5.200 tỷ đồng.

Tổng tài sản tính đến 31/12/2023 của Vietjet tăng thêm 24%, tương đương 16.645 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 84.681 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn đạt 37.272 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 30.695 tỷ đồng, tiền và khoản tương đương tiền đạt 5.050 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đạt 47.408 tỷ đồng, trong đó là các khoản phải thu dài hạn đạt 29.649 tỷ đồng, tài sản cố định đạt 8.865 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng thêm 30%, tương đương 15.910 tỷ đồng, lên 69.048 tỷ đồng (chiếm đến 81% tổng tài sản), trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là vay và nợ thuê tài chính với 13.878 tỷ đồng ngắn hạn và 17.224 tỷ đồng dài hạn.

Tính đến hết quý IV, vốn chủ sở hữu của Vietjet đạt 15.632 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thời điểm đầu năm, trong đó lợi nhuận chưa phân phối có 9.361 tỷ đồng.

Link nội dung: https://tintuc365.net/vietjet-ve-dich-34-muc-tieu-loi-nhuan-tai-san-tang-hon-16000-ty-a80276.html