Masan và hệ sinh thái hàng Việt

TPO - Sau thương vụ đình đám tiếp nhận lại hệ thống của hàng bán lẻ, siêu thị mini Vinmart và Vinmart+, thông qua một công ty mới thành lập, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, MCH) tiếp tục phát đi thông điệp lạ. Đó là chào mua 60% cổ phần Bột giặt NET, với giá 48.000 đồng/cổ phiếu.

Lạ thế nào ?

Trong thông điệp phát đi từ thương vụ tiếp nhận Vinmart và Vinmart +, Vingroup cho biết, việc chọn Masan để chuyển giao hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam này là chọn đúng người tiếp tục “giương cao ngọn cờ hàng Việt”.

Bán lẻ nói chung và quy mô khổng lồ 3.000 cửa hàng Vinmart và Vinmart + cho thấy, bản chất cuộc chuyển giao này được quyết định bởi các lợi ích 2 bên và lợi ích cho người tiêu dùng mặc dù không có một thông điệp gì liên quan tới quy mô tài chính cuộc chuyển giao được công bố.

Và nếu như việc Vingroup rời bỏ mảng bán lẻ đang phát triển chỉ vỏn vẹn sau 5 năm tham gia, đã là một điều lạ. Thì việc Masan tiếp nhận lại hệ thống ấy, còn lạ lùng hơn.

Vinmart và Vinmart + có quy mô nhân sự lên tới 25.000 người, gấp 2,5 lần tổng số lao động hiện hữu của Masan. Cộng với kinh nghiệm bán lẻ không có, việc tiếp nhận để vận hành hệ thống khác biệt hoàn toàn với hệ thống hiện hữu, dường như là một thách thức với tiềm lực về quản trị và tài chính với Masan.
Masan và hệ sinh thái hàng Việt ảnh 1 Masan chính thức tiếp nhận VinMart và VinMart+

Vingroup, vốn đang trên đường trở thành một doanh nghiệp sản xuất, công nghệ, việc rời bỏ mảng bán lẻ được xác nhận là rủi ro, có thể coi là phù hợp. Nhưng Masan – một doanh nghiệp sản xuất thuần túy – tiến vào mảng bán lẻ, thì lại là lựa chọn khiến các chuyên gia kinh tế thận trọng nhất cũng phải bất ngờ.

Thông tin bổ sung, hai lựa chọn ngược chiều của hai doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam rõ ràng làm thị trường mất phương hướng. Vì liền ngay sau đó, cổ phiếu Masan sụt giảm, hiện đã có dấu hiệu hồi phục trở lại, tương lai trong trung và dài hạn có nhiều lạc quan.

Khi vừa tiếp nhận gánh nặng mang tên Vinmart và Vinmart +, việc Masan công bố đề nghị chào mua đến 60% cổ phần Bột giặt NET – doanh nghiệp ngành sản xuất hóa mỹ phẩm có truyền thống hơn 50 năm – lại càng là sự kiện lạ lùng, bất ngờ.

Masan – doanh nghiệp chuyên ngành sản xuất thực phẩm, gia vị, thức uống – liệu có thể tìm kiếm được lợi ích gì từ Bột giặt NET – doanh nghiệp hóa vô cơ thuần túy? Vì sao chỉ trong thời gian ngắn, Masan lại đột ngột lấn sân sang ngành hoàn toàn mới mẻ, như bán lẻ và hóa chất ?

Gạch nối, giương cao ngọn cờ hàng Việt

Thực tế là, từ nhiều năm, các hãng nước ngoài đã thâu tóm thành công phần lớn thị trường chất tẩy rửa Việt Nam (thị phần Bột giặt NET chỉ vỏn vẹn 1,5%). Chất tẩy rửa nước ngoài đang bán trong hệ thống 300.000 điểm bán lẻ mà chính Masan đang tự hào là có bán hàng hóa của hãng này.

Sử dụng sản phẩm chất tẩy rửa của nước ngoài, vì thế, đã là thói quen của người Việt. Nếu thay đổi được thói quen ấy để mà gia tăng thị phần nắm giữ, Bột giặt NET - cũng như cả chục thương hiệu chất tẩy rửa nội - đã chả chịu lép vế suốt nhiều năm đến thế.

Hợp tác với NET, Masan chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy, kế thừa các lợi điểm sẵn có của NET về nguồn nhân lực, kinh nghiệm và dây chuyền sản xuất của 02 nhà máy hiện được các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu đánh giá cao. Đồng thời cộng hưởng những ưu thế mà Masan sở hữu như năng lực xây dựng thương hiệu, hoạt động marketing bài bản, hoạt động R&D được đầu tư, hệ thống phân phối rộng khắp để sẵn sàng trên đường băng cất cánh cho sự tăng trưởng doanh thu, tạo ra giá trị gia tăng cho cổ đông và khách hàng.

Masan và hệ sinh thái hàng Việt ảnh 2 Các sản phẩm của NETCO – Nguồn: Báo cáo thường niên NETCO 2018

Về việc nắm quyền kiểm soát NETCO, Masan đã phát đi thông điệp cho biết, muốn dùng hệ thống bán lẻ hiện hữu để gia tăng diện phủ sản phẩm của NET. Và gia tăng danh mục sản phẩm mà doanh nghiệp này gọi là “các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình”.

Trong báo cáo thường niên 2018, Masan đã từng nhấn mạnh chiến lược tiếp theo là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Định hướng của chiến lược này là triển khai cửa hàng một điểm đến "a one-stop shop" - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ.

Về cơ bản, với người tiêu dùng, “sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình” được hiểu các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, được chia thành hai mảng rõ rệt. Gồm mảng chất tẩy rửa và chăm sóc da. Mảng còn lại là thực phẩm, gia vị, đồ uống, vệ sinh răng miệng.

Tại phân khúc chất tẩy rửa, Unilever đã nắm tới 54,9% thị phần, đứng thứ hai cũng là một hãng ngoại, đó là Procter & Gamble (P&G) với 16,0% thị phần. Hàng chục nhà sản xuất nội còn lại chen chúc trong 29% thị phần còn lại, với hoạt động chủ chốt là gia công cho hãng ngoại.

Nhưng lợi thế vượt trội của Masan là đã kịp nhận chuyển giao chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart +, với triết lý kinh doanh chỉ bán hàng Việt chất lượng đảm bảo. Sẽ không bất ngờ khi Masan tiếp tục “giương cao ngọn cờ hàng Việt” chất lượng cao, như là chỉ dẫn để thu hút và thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt.

Masan và hệ sinh thái hàng Việt ảnh 3 Mở rộng danh mục hàng tiêu dùng, Masan đã chính thức “lấn sân” sang ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình.

Nói cách khác, tham gia và sử dụng kênh bán lẻ đích xác là lựa chọn bài bản và chiếc lược của Masan trong cuộc trường chinh giành lại thị trường cho hàng Việt.

Từ góc độ này, có thể nhìn thấy tính thống nhất về lựa chọn của Masan trong việc cùng lúc nắm quyền kiểm soát bán lẻ và đặt chân vào địa hạt “chăm sóc cá nhân và gia đình”. Hai chiến lược lạ lùng, thậm chí có thể đánh giá là đột phá ấy, lại được dựa trên tiền đề cơ bản là tính dân tộc và chất lượng vượt trội của hàng Việt. Và đặc biệt là tiềm lực thực sự của doanh nghiệp Việt.

Tạo ra hệ sinh thái của hàng Việt, với những giá trị riêng, chất lượng riêng cũng là sự lựa chọn của VinGroup trong việc “buông” bán lẻ để tập trung cho công nghệ. Bởi thế, chưa bao giờ thị trường Việt Nam chứng kiến cuộc phân chia thị trường lớn đến thế của những doanh nghiệp nội. Việc bắt tay với Bột giặt NET, do thế, cũng chỉ là mảnh ghép nhỏ trong những nỗ lực đòi lại thị trường của doanh nghiệp nội, trong đó Masan là người tiên phong dẫn dắt.

Link nội dung: https://tintuc365.net/masan-va-he-sinh-thai-hang-viet-a830.html