Đầu năm 2024, thị trường heo hơi vẫn trầm lắng khi giá chỉ quanh mức 49.000 - 50.000 đồng/kg, chỉ tăng nhẹ so với mức thấp nhất của năm 2023 là 48.500 đồng/kg vào tháng 12/2023.
Sự ảm đạm của thị trường thịt heo đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Theo đó, giá heo hơi trung bình của cả năm 2023 ở mức 53.800 đồng/kg, thấp hơn 3.200 đồng/kg so với trung bình cả năm 2022.
Ngoài ra, dịch bệnh trên đàn gia súc bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước trong năm 2023 cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm trong một thời gian dài dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty chịu nhiều ảnh hưởng. Dù vậy nhưng một số doanh nghiệp đã tích cực tiết giảm chi phí, linh hoạt trong kịch bản sản xuất kinh doanh.
Lãi tăng vẫn chỉ hoàn thành 4% kế hoạch
Theo báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC), quý IV/2023 ghi nhận doanh thu đạt 2.614 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Nhờ tiết giảm chi phí mà trong kỳ mà lợi nhuận gộp của Dabaco ghi nhận đạt 241 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 65 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, ngoài chi phí bán hàng được tiết giảm, các khoản chi phí khác đều ghi nhận phát sinh mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí tài chính tăng mạnh từ 49 tỷ đồng trong quý IV/2022 lên 70 tỷ đồng trong quý IV/2023, tương đương tăng 42%. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 50% lên 107 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Dabaco đạt 6,45 tỷ đồng, cải thiện tích cực so với số lỗ 224,04 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Dabaco cho biết trong quý IV/2023 giá nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng như giá nông sản trong nước giảm, theo đó giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đều có lãi và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước.
Thêm nữa, tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá heo hơi giảm trong một thời gian dài dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty heo giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trái lại, công ty cho hay hoạt động sản xuất kinh doanh của khối các công ty thương mại dịch vụ như công ty dầu thực vật hoạt động có lãi và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế trong năm 2023, Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 11.110 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Tập đoàn Dabaco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 24.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 569 tỷ đồng. Như vậy, kết quả sản xuất cả năm 2023, công ty mới chỉ thực hiện 4,4% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Lần đầu báo lỗ
Trái lại, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF (HoSE: BAF) ghi nhận bức tranh sản xuất kinh doanh năm 2023 chìm trong gam màu buồn với doanh thu sụt giảm, chi phí lại phát sinh mạnh.
Cụ thể, quý IV/2023, doanh thu thuần của BAF giảm 25% so với cùng kỳ còn 1.625 tỷ đồng. Dù giá vốn hàng bán tiết giảm nhưng lãi gộp của công ty chỉ đạt 41 tỷ đồng, đi lùi 33% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, các chi phí hoạt động và chi phí lãi vay đều phát sinh mạnh trong quý IV/2022, trong đó, chi phí tài chính tăng 2,2 lần lên 25 tỷ đồng. Điều này khiến sau khi trừ các chi phí, BAF lỗ 30,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 7 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên BAF báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE từ tháng 12/2021.
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Trương Sỹ Bá đạt 5.250 tỷ đồng, giảm 26% so với đầu kỳ. Xét về cơ cấu doanh thu, mảng bán nông sản đem về 3.939 tỷ đồng, đóng góp 3/4 tổng doanh thu cả năm và giảm 31% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí, BAF lãi ròng còn 19,95 tỷ đồng, giảm 93% so với năm trước. Kết quả này cũng còn cách rất xa mục tiêu doanh thu hơn 7.525 tỷ và lợi nhuận 301 tỷ cả năm.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, BAF cho biết, giá bán duy trì ở nền thấp từ đầu năm và tạo đáy trong quý IV/2023 trong bối cảnh tiêu thụ thấp; sản lượng heo bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn; các trang trại mới đưa vào vận hành cần thời gian cho lứa đầu nên điểm rơi sản lượng đầu ra sẽ bán vào năm 2024 là những nguyên nhân chính khiến kết quả công ty sa sút.
Lập kỷ lục sau quyết định “chia tay"
Trong bối cảnh ảm đạm của toàn ngành chăn nuôi, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) trở thành điểm sáng với lợi nhuận kỷ lục, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, khi mảng chăn nuôi với sản phẩm “heo ăn chuối" - từng vực dậy tình hình sản xuất kinh doanh của HAGL trong những năm trước đây - không còn hiệu quả cũng là lúc bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT) đưa ra quyết định “chia tay” thương hiệu heo ăn chuối Bapi vào tháng 12/2023.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, quý IV/2023, doanh thu của HAGL đạt 1.898 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó chiếm phần lớn là doanh thu từ trái cây. Tuy nhiên, do biên độ tăng của giá vốn cao hơn biên độ tăng của doanh thu nên lãi gộp trong kỳ giảm 49% xuống còn 217 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của công ty ghi nhận tăng mạnh gấp 3,6 lần lên 295 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do trong quý IV/2023, HAGL đã thực hiện thanh lý một số khoản đầu tư.
Bên cạnh đó, nhờ được miễn giảm lãi vay hơn 1.424 tỷ đồng từ Eximbank nên sau khi trừ các chi phí, quý IV/2023, HAGL báo lãi 1.107 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2023, doanh thu của HAGL đạt hơn 6.900 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu trái cây vẫn là chủ lực khi đem về 3.181 tỷ đồng, tiếp đến là doanh thu mảng bán heo với 1.963 tỷ đồng.
Kết quả, HAGL thu về 1.817 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 61,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua của công ty.
Năm 2023, doanh nghiệp của bầu Đức đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.120 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.130 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, HAGL đã hoàn thành mục tiêu đề ra cả năm.
Link nội dung: https://tintuc365.net/thi-truong-heo-tram-lang-doanh-nghiep-chan-nuoi-moi-nguoi-mot-ve-a83520.html