Chủ đầu tư Dự án Amira Chơn Thành nợ thuế
Ngày 25/3, thông tin từ Cục Thuế tỉnh Bình Phước cho biết, đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với các doanh nghiệp chậm nộp thuế đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Bình Phước đã ra các thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để phối hợp thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh đối với hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn vì nợ thuế.
Theo đó, Cục Thuế tỉnh Bình Phước ra thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp - Bất động sản và Xây dựng Song Phương, chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Phước Thắng (tên thương mại Dự án Amira Chơn Thành).
Bà Nguyễn Thị Lan Phương còn làm đại diện pháp luật cho các công ty: Công ty TNHH Hiệp Lợi Phát; Công ty TNHH Đầu tư thương mại Trương Thiên Phúc; Công ty TNHH Nội thất Jaanhomes; Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Green Solution.
Bà Lan Phương bị tạm hoãn xuất cảnh do công ty đang nợ thuế gần 280 tỷ đồng. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh cho tới khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Được biết, Công ty TNHH Công nghiệp – Bất động sản và xây dựng Song Phương là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Phước Thắng (tên thương mại là Amira Chơn Thành), diện tích 55,4ha, quy mô dân số 8.700 người trên địa bàn xã Nha Bích và xã Minh Thắng (thị xã Chơn Thành).
Không đúng quy định pháp luật
Liên quan đến dự án Amira Chơn Thành, được biết, trước đó dự án này có tên là Khu dân cư Phước Thắng và bị phát hiện bán chui với tên thương mại là Phước Thắng Riverside, sau đó đổi tên thành Amira Chơn Thành.
Cụ thể, tin chào bán hồi tháng 5/2021 trên các trang rao vặt cho biết, giá chào bán lô đất 100m2 (5×20m), tại Phước Thắng Riverside, chỉ 180 triệu.
Môi giới còn quảng cáo dự án có vị trí thuận lợi, đối diện sân golf FLC, nằm chính giữa 3 khu công nghiệp Chơn Thành - Minh Hưng - Becamex Bình Phước, gần khu du lịch sinh thái Hồ Phước Hòa, tiện ích ngoại khu đầy đủ: chợ, ủy ban nhân dân, trường học các cấp, trạm y tế
Sau khi hoạt động chào bán diễn ra rầm rộ, ngày 16/6/2021, UBND huyện Chơn Thành (nay là thị xã Chơn Thành) đã có thông tin chính thức liên quan tới dự án này.
Theo đó, UBND huyện Chơn Thành nêu rõ: "Dự án khu dân cư Phước Thắng do Công ty TNHH Công nghiệp - Bất động sản và Xây dựng Song Phương làm chủ đầu tư, đã được UBND huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 100/QĐ- UBND ngày 10/2/2020.
Hiện, dự án trên chưa được cấp phép xây dựng hạ tầng, chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường, chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật xã hội, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai, luật nhà ở....".
Ngoài ra, UBND huyện Chơn Thành còn cho biết, thời gian tới để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền trái quy định, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã Nha Bích, Minh Thắng phối hợp với Thanh tra xây dựng tăng cường kiểm tra, ra soát, phát hiện sai phạm (nếu có), sẽ xử lý nghiêm.
Sau một thời gian tạm lắng, dự án này lại thu hút sự quan tâm của dư luận sau khi công bố khởi công vào ngày 25/10/2022, với tên gọi mới Amira Chơn Thành.
Dự án này được Công ty TNHH Công nghiệp - Bất động sản và Xây dựng Song Phương và Tập đoàn bất động sản Thiên An Holdings phối hợp tổ chức giới thiệu ngày 25/10/ 2022 và ký kết hợp tác phát triển và phân phối dự án Amira Chơn Thành.
Dự án Amira Chơn Thành từng được kỳ vọng là tiền đề quan trọng hứa hẹn sẽ tạo ra một siêu phẩm tại thị xã Chơn Thành, góp phần làm thay đổi diện mạo mới mẻ của tỉnh Bình Phước. Góp phần giải quyết chỗ ở cho người lao động, chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là lao động chất lượng cao…
Tuy nhiên, việc chủ đầu tư dự án Amira Chơn Thành đang nợ số tiền thuế lên tới gần 280 tỷ đồng, khiến nhiều người lo ngại về năng lực tài chính và khả năng hoàn thành dự án Amira Chơn Thành của doanh nghiệp này.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Vũ Minh Tiến, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định: "Các dự án còn nợ tiền sử dụng đất mà đã bán sản phẩm là không phù hợp với quy định của pháp luật, Bởi lẽ dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì coi như chưa được sở hữu trọn vẹn, đầy đủ tài sản (là các sản phẩm của dự án).
Việc cho phép bán sản phẩm khi dự án còn nợ tiền sử dụng đất sẽ tạo ra nguy cơ rủi ro tiềm tàng cho người mua nhà. Nếu doanh nghiệp không có/không còn khả năng thanh toán tiền sử dụng đất khi đang thực hiện dự án hoặc doanh nghiệp sử dụng tiền mua nhà vào mục đích khác dẫn đến khả năng mất thanh toán thì nguy cơ Nhà nước thu hồi dự án là rất cao, dẫn đến khả năng khách hàng mất trắng".
Trường hợp, cơ quan có thẩm quyền xác định doanh nghiệp cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể xem xét thực hiện việc thu hồi đất đã cấp cho Chủ đầu tư thực hiện dự án (theo quy định tại khoản 9, Điều 38 Luật đất đai năm 2003, điểm g, khoản 1 điều 64 của Luật đất đai sửa đổi bổ sung năm 2013).
Khi dự án bị thu hồi đất sẽ dẫn đến một loạt hậu quả pháp lý và phát sinh các tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà đầu tư thứ phát, các đối tác góp vốn hoặc khách hàng khi thực hiện đầu tư vốn để hưởng quyền ưu tiên mua sản phẩm của dự án hình thành trong tương lai.
Link nội dung: https://tintuc365.net/binh-phuoc-chu-dau-tu-du-an-amira-chon-thanh-bi-tam-hoan-xuat-canh-vi-no-thue-gan-280-ty-dong-a89336.html