Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã bán được nhiều hơn 2,14 triệu xe so với Volkswagen (bao gồm cả doanh số của các công ty con như Daihatsu Motor và Hino Motors). Trong khi đó, hãng xe Đức có doanh số giảm 9% trong năm nay. Để "đánh bại" doanh số toàn năm 2022 của Toyota, Volkswagen cần tăng hơn gấp ba lần doanh số bán hàng trung bình hàng tháng vào tháng 12.
Đáng chú ý, mặc dù ngành công nghiệp trên thế giới đã phải "vật lộn" bởi sự thiếu hụt chất bán dẫn, sự tăng trưởng doanh số ở Trung Quốc và Đông Nam Á đã giúp Toyota dẫn đầu thị trường sau 11 tháng năm 2022.
Doanh số bán hàng của riêng Toyota (không bao gồm Daihatsu và Hino) tại Trung Quốc đã tăng 2%. Việc mở rộng sản lượng vào mùa hè năm nay đã giúp hãng xe phục hồi nhu cầu vốn đang giảm bởi đại dịch. Đáng chú ý, các mẫu sedan Corolla và Camry đang rất được ưa chuộng tại quốc gia này. Đồng thời, SUV của Toyota đang trở nên phổ biến ở Đông Nam Á, nơi nhà sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng hơn 10% ở Indonesia và Thái Lan.
Trong khi đó, Volkswagen không đạt kết quả tốt ở châu Á, với doanh số bán hàng giảm 6% ở Trung Quốc và chỉ tăng 6% ở phần còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc phong tỏa bởi đại dịch tại Trung Quốc đã làm gián đoạn nguồn cung cấp phụ tùng và vận chuyển hàng hải, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại trụ sở của Volkswagen.
Trung Quốc chiếm khoảng 40% doanh số bán ô tô của Volkswagen, cao hơn 20% khi so với Toyota. Tuy nhiên, vì Toyota có quy mô sản xuất không lớn bằng Volkswagen tại Trung Quốc nên nhà sản xuất Nhật Bản ít bị tác động bởi đại dịch hơn.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã dự đoán doanh số bán xe mới sẽ tăng trong năm 2022. Nhưng các quy tắc nghiêm ngặt của chính sách zero-COVID của chính phủ đã khiến một số đại lý không thể hoạt động và buộc các nhà sản xuất ô tô phải điều chỉnh kế hoạch cho đến khi chính sách này được nới lỏng gần đây. Điều này có thể sẽ thúc đẩy kết quả bán hàng Toyota và Volkswagen vào tháng 12. Tuy nhiên, sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19 trên khắp Trung Quốc có thể cản trở nhu cầu người tiêu dùng từ tháng 1/2023 trở đi.
Ở giai đoạn năm 2022, Toyota gặp khó khăn trong việc bán hàng tại Bắc Mỹ và Nhật Bản, nơi doanh số giảm khoảng 10% ở mỗi thị trường do khan hiếm nguyên liệu sản xuất.
Cho đến nay, Volkswagen vẫn dẫn trước Toyota về xe điện. Nhà sản xuất ô tô Đức đã bán được 360.000 xe điện trong ba quý đầu năm 2022. Trong khi đó, Toyota chỉ bán được chưa đầy 20.000 chiếc nhưng đã buộc phải ban hành lệnh thu hồi bZ4X, mẫu xe điện sản xuất hàng loạt đầu tiên của hãng.
Xét về năm tài chính sẽ kết thúc vào tháng 3/2023, Toyota đã lên kế hoạch sản xuất 9,7 triệu xe, hạ 500.000 chiếc so với kế hoạch ban đầu bởi thiếu hụt chất bán dẫn trong hoạt động sản xuất.
Vào tháng 11/2022, sản lượng toàn cầu của Toyota đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc ổn định dây chuyền sản xuất sẽ giúp Toyota giải quyết các đơn đặt hàng đang tồn đọng và giảm sự chậm trễ trong việc giao xe.
Tổ chức S&P Global dự báo tổng doanh số bán xe du lịch trên toàn cầu tăng 6% trong năm 2023, lên tới 83,6 triệu chiếc. Tuy nhiên, tác động của tình trạng thiếu chip có thể kéo dài đến năm 2024.
Theo Reuters