Theo đó, doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 1.2854 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Song lợi nhuận sau thuế tăng gấp 4,3 lần lên 617,1 tỷ đồng. Vậy mảng hoạt động nào đã thúc đẩy lợi nhuận của công ty chứng khoán này trong quý đầu năm?
Đầu tiên là mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 664,1 tỷ đồng, giảm 15% so với con số 782 tỷ đồng cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cổ tức, lãi phát sinh từ FVTPL giảm từ gần 278 tỷ xuống còn 176 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản lỗ từ tài sản FVTPL lại giảm tới 72% so với cùng kỳ xuống còn 129,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 341,7 tỷ đồng. Kết quả khởi sắc này đến từ khoản chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản FVTPL chỉ còn gần 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 317 tỷ đồng. Cùng với đó, lỗ bán trái phiếu và chứng khoán chưa niêm yết cũng giảm mạnh từ 132 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn gần 48 đồng.
Như vậy trong quý đầu năm, VNDirect đã lãi thuần từ tự doanh hơn 524,5 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.
Tính tới 31/3/2024, danh mục tự doanh của VNDirect có giá gốc hơn 16.200 tỷ đồng, giảm 425 tỷ so với hồi đầu năm. Trong đó, chứng chỉ tiền gửi giảm 25% xuống còn hơn 4.500 tỷ đồng (giảm 1.544 tỷ đồng). Trái phiếu niêm yết cũng giảm 95% về còn 28 tỷ đồng.
Trái chiều, số dư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết của công ty ghi nhận ở mức 1.529 tỷ đồng, tăng thêm 421 tỷ đồng so với đầu năm. Giá trị trái phiếu chưa niêm yết tăng 1.152 tỷ đồng lên 8.698 tỷ đồng.
Thời điểm cuối quý I, VNDirect nắm giữ mã VPB giá trị 450,3 tỷ đồng (giảm 5 tỷ đồng), ACB hơn 116,5 tỷ đồng (tăng 54 tỷ đồng), HSG giữ nguyên mức 326 tỷ đồng; giá trị đầu tư vào các cổ phiếu khác tăng từ 263 tỷ đồng lên 636 tỷ đồng.
Cùng với mảng tự doanh, nguồn thu từ tài sản nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) của công ty cũng tăng 46% lên 144 tỷ đồng nhờ việc tăng quy mô đầu tư hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn trong kỳ.
Dù tuột mất vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 4 về thị phần môi giới sau khi hệ thống “treo” vào tuần giao dịch cuối quý I do bị tấn công bởi tổ chức quốc tế, nhưng doanh thu môi giới của công ty vẫn tăng 56% lên 228 tỷ đồng.
Trong kỳ, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 27% so với cùng kỳ lên 316 tỷ đồng. Dư nợ cho vay margin của VNDirect ghi nhận 9.958 tỷ đồng, giảm gần 320 tỷ so với hồi đầu năm.
Lãi suất đi vay giảm mạnh so với quý I/2023 giúp chi phí tài chính của công ty giảm gần 61% xuống 248 tỷ đồng. Dù vậy chi phí quản lý lại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ lên 153 tỷ đồng. Khoản dịch vụ mua ngoài cũng tăng 5,6 lần lên hơn 99 tỷ đồng.
Thời điểm cuối quý I/2024, tổng tài sản của VNDirect đi ngang so với đầu năm, ở mức 41.300 tỷ đồng.
Link nội dung: https://tintuc365.net/mang-hoat-dong-nao-giup-vndirect-lai-gap-4-lan-trong-quy-dau-nam-a93209.html