Tại sao dừng dự án?
Ngày 28/4, ông Thái Hồng Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Ba, đã ký Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có nội dung thống nhất chủ trương dừng vĩnh viễn Dự án thủy điện Krông H’Năng 2.
Đồng thời, giao HĐQT chỉ đạo Công ty tổ chức làm việc với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan giải quyết các thủ tục để dừng vĩnh viễn dự án theo quy định và xin nhận lại tiền ký quỹ dự án; tổ chức quyết toán vốn đầu tư dự án theo quy định.
Theo Tờ trình của ông Thái Hồng Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Ba, Dự án Dự án thủy điện Krông H’Năng 2 có công suất 15MW, thuộc xã Ealy (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên).
Dự án đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp Giấy phép chứng nhận đầu tư từ năm 2009. Tuy nhiên, do thủ tục điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất gặp khó khăn, vướng mắc nên hơn 10 năm qua dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định và buộc phải dừng cho đến nay.
Dự án này có ảnh hưởng đến 78,05ha đất rừng và đã được Bộ Công Thương có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Sông Ba làm việc với cơ quan có thẩm quyền liên quan về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Vùng đất đai bị ảnh hưởng của dự án (đất vùng lòng hồ và đất xây dựng đường ống, nhà máy), chủ yếu trên địa bàn tỉnh Phú Yên, chiếm nhiều diện tích và trong đó có cả đất rừng tự nhiên.
Đồng thời, trong giai đoạn từ 2012 đến nay, Nhà nước có nhiều thay đổi về chủ trương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, về cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trong đó có việc cấp phép cho các dự án thủy điện.
Vì nhiều năm qua, công ty nghiên cứu, chỉnh sửa thiết kế nhằm giảm thiểu tối đa diện tích đất ảnh hưởng; đồng thời nhiều lần làm việc với các sở, ban, ngành hai tỉnh Phú Yên để triển khai thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng do vướng mắc liên quan đến đất rừng nên chưa giải quyết được nên Bộ Công Thương chưa có cơ sở điều chỉnh quy hoạch dự án, dẫn đến dự án bị kéo dài và tạm dừng hơn 10 năm qua.
Theo ông Quân, tiền ký quỹ dự án đã nộp từ năm 2008 là 2 tỷ đồng và chi phí đã đầu tư dự án sau thuế giá trị gia tăng hơn 3,7 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Sông Ba thu về mỗi ngày gần 1 tỷ đồng
Công ty cổ phần Sông Ba chủ yếu triển khai và hoạt động tại khu vực miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Lắk.
Năm 2023 ghi dấu một giai đoạn đầy thử thách cho ngành thủy điện nói chung và Công ty cổ phần Sông Ba nói riêng. Trong năm qua, hiện tượng thời tiết El Nino bắt đầu diễn ra vào những tháng giữa năm 2023 đã làm lưu lượng nước về hồ của công ty kém hơn so với năm 2022, khiến cho sản lượng điện sản xuất ra cũng thấp hơn năm trước (thấp hơn 18,93%).
Tổng sản lượng phát điện đạt 270,39 triệu kWh, tổng doanh thu là 341,09 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện 334,38 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ tư vấn và thu khác 6,71 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 175,33 tỷ đồng và lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu là 2.899 đồng/cổ phần.
Tổng tài sản của công ty năm 2023 là 1.233,06 tỷ đồng, giảm 93,17 tỷ đồng so với năm 2022, tương đương với mức giảm 7,03%. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 19,03%, tương đương với 46,27 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu của mức giảm này đến từ chỉ tiêu tiền và tương đương tiền giảm hơn 64,03 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản với 84,04%, do đặc thù ngành thủy điện là đầu tư lớn với vốn đầu tư ban đầu là tài sản cố định hữu hình (máy móc thiết bị, thiết bị, dụng cụ quản lý,…) để vận hành nhà máy thủy điện.
Trong năm 2023, tài sản dài hạn giảm 4,33%. Chủ yếu đến từ việc khấu hao tài sản cố định và trong năm không có dự án đầu tư xây dựng mở rộng.
Nhìn chung, trong năm qua tài sản ngắn hạn của công ty giảm chủ yếu để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.
Năm 2023, tổng nợ phải trả giảm 39,92% so với năm 2022, từ 376,44 tỷ đồng xuống còn 226,17 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty đã thanh toán một phần khoản vay dài hạn của Ngân hàng Phương Đông – Chi nhánh Trung Việt đã đến hạn trả.
Do đó, khoản nợ vay dài hạn được hạch toán thành nợ vay ngắn hạn. Khoản vay này đã giảm từ 175,21 tỷ đồng xuống còn 93,15 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Về nợ ngắn hạn, công ty đã thực hiện thanh toán cổ tức năm 2022 cho cổ đông nên các khoản phải trả ngắn hạn khác đã giảm từ 70,69 tỷ đồng còn 12,59 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Nhìn chung, các khoản vay và nợ thuê tài chính của SBA sụt giảm là dấu hiệu tốt khi công ty đang giảm được áp lực chi lãi vay.
Công ty cổ phần Sông Ba được thành lập năm 2007. Vốn điều lệ doanh nghiệp gần 604,9 tỷ đồng. Trụ sở chính ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Doanh nghiệp này có 3 chi nhánh là nhà máy thủy điện Khe Diên (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam); Nhà máy thủy điện Krông H’Năng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) và Trung tâm Tư vấn và Kiểm định an toàn đập, thành phố Đà Nẵng.
Link nội dung: https://tintuc365.net/cong-ty-co-phan-song-ba-khai-tu-du-an-thuy-dien-krong-hnang-2-a94626.html