Vận tải đường sắt: Làm 3 tháng, lãi vượt xa kế hoạch cả năm

Nhờ sự tăng trưởng hành khách trong quý I đặc biệt là dịp tết Nguyên đán, lợi nhuận của cả 2 doanh nghiệp vận tải đường sắt đều đã vượt xa kế hoạch năm 2024.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong quý I/2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn có doanh thu đạt 556 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi 32,9 tỷ đồng, tăng 24,6% so với quý I/2023.

Giải trình về kết quả kinh doanh, doanh nghiệp vận tải đường sắt này cho hay, trong quý I, công ty đã có nhiều đổi mới về phương thức kinh doanh như xây dựng kế hoạch chạy tàu phù hợp, phương án bán vé, giá vé hợp lý, cùng với đố nhu cầu đi lại của hành khách cũng tăng cao, đặc biệt trong và sau dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bên cạnh đó, đặc thù của ngành đường sắt là doanh thu thường tập trung chủ yếu ở các tháng cao điểm hè, Tết mà chi phí lại được phân bổ đều cho các tháng trong năm dẫn tới việc lợi nhuận quý I tăng cao.

Cũng có kết quả kinh doanh khả quan, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội có doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ, đạt trên 710 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu hàng quý cao nhất trong gần 9 năm qua của doanh nghiệp này. Lãi sau thuế tăng thêm 87%, đạt trên 34 tỷ đồng.

Năm 2024, đánh giá tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, 2 công ty vận tải của ngành đường sắt đặt mục tiêu kinh doanh khá khiêm tốn. Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10,76 tỷ đồng. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.563 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 12 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, cả 2 doanh nghiệp vận tải đường sắt đều đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Trước đó, ngành đường sắt đã trải qua giai đoạn kinh doanh liên tục thua lỗ do tác động của đại dịch Covid-19. Dù được giảm lỗ do kinh doanh khởi sắc tuy nhiên đến thời điểm 31/3/2024, lỗ lũy kế của Vận tải Đường sắt Hà Nội vẫn còn trên 334 tỷ đồng, lỗ lũy kế Vận tải Đường sắt Sài Gòn là trên 348 tỷ đồng. 

Đánh giá về sự khởi sắc trong bức tranh kinh doanh của ngành đường sắt với Người Đưa Tin, ông Trần Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết điều này trước hết là nhờ sự phục hồi nhanh của hoạt động vận tải, bao gồm cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa.

Bên cạnh đó, điều quan trọng chính là việc chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt cũng ngày càng được cải thiện. 

"Trong khi chờ đợi dự án được triển khai với những bước đột phá lớn, để cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, ngành đường sắt xác định việc nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách chính là yêu cầu cấp bách, mục tiêu xuyên suốt và là nhiệm vụ sống còn. Vì vậy, trong những năm qua, Tổng Công ty đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện và gia tăng các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách; đồng thời đa dạng các dịch vụ cung cấp đến hành khách", ông Trần Anh Tuấn nói. 

Điển hình vào cuối 10/2023, ngành đường sắt đã cho ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng SE19/20 với nhận diện riêng và gia tăng tính thẩm mỹ để thu hút hành khách.

Mới đây, đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (Sài Gòn – Đà Nẵng) tiếp tục được đưa vào khai thác ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch “hot” đối với du khách trong dịp hè 2024.

Link nội dung: https://tintuc365.net/van-tai-duong-sat-lam-3-thang-lai-vuot-xa-ke-hoach-ca-nam-a95960.html