Đắk Lắk: Rệp sáp phát sinh, gây hại trên nhiều diện tích cà phê

Trước tình hình rệp sáp phát sinh và gây hại cà phê, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để phòng trừ.

Nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho rệp sáp phát sinh

Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn về việc phòng trừ rệp sáp hại cà phê.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, xuất hiện mưa cục bộ tại một số địa phương, biên độ nhiệt ngày đêm dao động khá lớn, là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp phát sinh và gây hại trên cây cà phê.

Qua công tác điều tra, hiện nay rệp sáp đã phát sinh, gây hại tại một số vùng trọng điểm cà phê như: Ea H’leo, Cư Mgar, Krông Buk, Krông Pắk, Cư Kuin… với tỷ lệ hại từ 5-30%.

Dân sinh - Đắk Lắk: Rệp sáp phát sinh, gây hại trên nhiều diện tích cà phê

Nắng nóng kéo dài đã khiến cho nhiều diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị khô héo.

Dự báo trong những ngày tới nắng nóng tiếp tục xảy ra, rệp sáp sẽ phát triển mạnh và gây hại trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025. 

Anh Phạm Minh Nhật (một nông dân trồng cà phê tại xã Ea Mdroh, huyện Cư Mgar) cho biết, năm nay, nông dân trồng cà phê không chỉ oằn mình chống hạn hán mà còn đối diện với rất nhiều khó khăn do rệp sáp tấn công diện tích cà phê.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, rệp sáp xuất hiện tại nhiều vườn cà phê. Loài côn trùng này thường len lỏi vào khắp các chùm hoa, quả non để hút nhựa làm quả cà phê phát triển kém hoặc rụng hàng loạt, cành cà phê cũng bị khô dần. Nếu không sớm phát hiện, xử lý kịp thời thì rệp sáp lây lan nhanh, gây hại cho vườn cây.

Trước tình hình này, người dân đã triển khai nhiều giải pháp như phun thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại; cắt tỉa cành thông thoáng, loại bỏ các cành bị nhiễm rệp sáp sau đó thu gom và tiêu hủy, tưới nước,... nhưng vẫn không thể loại trừ triệt để rệp sáp.

Theo anh Nhật, hạn hán, nắng nóng kéo dài và sâu bệnh tấn công không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê mà còn làm giảm năng suất sản lượng.

“Gia đình tôi có 3ha diện tích cà phê. Thời gian qua, tôi túc trực cả ngày lẫn đêm trên rẫy để tưới tắm, chăm sóc và bỏ ra rất nhiều chi phí nhưng ước tính mùa thu hoạch năm nay, sản lượng cà phê sẽ giảm khoảng 40-50% so với năm trước", anh Nhật chia sẻ.

Dân sinh - Đắk Lắk: Rệp sáp phát sinh, gây hại trên nhiều diện tích cà phê (Hình 2).

Rệp sáp phát sinh và gây hại trên cây cà phê.

Theo anh Y Toan Byă (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), rệp sáp thường xuất hiện vào thời điểm cây cà phê đang nở hoa cho đến hết mùa vụ thu hoạch. Trong đó, giai đoạn rệp sáp gây hại mạnh nhất là vào mùa khô và đầu mùa mưa. Đây cũng là giai đoạn rất quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng của cây cà phê trong mùa vụ tới.

Vì vậy, nếu cây cà phê bị rệp sáp tấn công mà không có biện pháp xử lý kịp thời thì chùm trái sẽ khô hỏng, cây cà phê bị khô héo, không thể phát triển. Từ đó, sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng, thậm chí rất dễ bị mất mùa.

Một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Mgar thông tin, toàn huyện trên 37.000ha cà phê. Rệp sáp đã xuất hiện, gây hại hầu hết các vườn cà phê trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến năng suất cho niên vụ sau.

Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện Cư Mgar chỉ đạo các xã, thị trấn thông tin đến người dân để có biện pháp xử lý kịp thời.

Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng trừ

Trước tình hình trên, để công tác phòng trừ rệp sáp hại cà phê đạt hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk yêu cầu, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, đánh giá mức độ gây hại của rệp sáp trên cây cà phê tại địa bàn quản lý. Đồng thời, điều tra, báo cáo diện tích nhiễm về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của rệp sáp cũng như các biện pháp phòng trừ để người dân biết và chủ động phòng trừ theo hướng dẫn. Mặt khác, tham mưu UBND huyện bố trí nguồn kinh phí để kịp thời tổ chức các lớp tập huấn phòng trừ rệp sáp trên cây cà phê, tránh dịch hại bùng phát gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Dân sinh - Đắk Lắk: Rệp sáp phát sinh, gây hại trên nhiều diện tích cà phê (Hình 3).

Giai đoạn rệp sáp gây hại mạnh nhất là vào mùa khô và đầu mùa mưa.

Đối với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện Ea H’leo và Cư Kuin phối hợp với Phòng Bảo vệ thực vật tổ chức ngay lớp tập huấn phòng trừ rệp sáp hại cà phê. Ưu tiên tập huấn trước những vùng cà phê bị rệp sáp gây hại nặng.

Tổ thức hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp gồm: Cắt tỉa cành thông thoáng, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ để hạn chế sự lây lan do kiến; thường xuyên kiểm tra vườn cây nhất là vào thời điểm khô hạn; khi thấy khoảng 10% số chùm quả trên cây có rệp thì tiến hành phun một trong các loại thuốc sinh học như: nhóm Abamectin, Azadirachtin, Nấm tím (Paecilomyces), Nấm trắng (Beauveria), Nấm Xanh (Metarhizium)… và các loại thuốc hoá học có hoạt chất Alpha-Cypermethrin, Deltamethrin, Dimethoate, Acetamiprid, Benfuracarb, Buprofezin, Carbosulfan,... 

Dân sinh - Đắk Lắk: Rệp sáp phát sinh, gây hại trên nhiều diện tích cà phê (Hình 4).

Nông dân trồng cà phê thực hiện nhiều giải pháp để loài trừ rệp sáp. 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, người dân phun các loại thuốc sinh học, hóa học theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì sản phẩm, phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày, chỉ phun thuốc những cây bị rệp và phun khi cần thiết (mật độ rệp cao), không phun thuốc định kỳ, không phun toàn bộ diện tích.

Đặc biệt, khi phòng trừ rệp sáp bằng biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học thì chỉ phun thuốc khi vườn đảm bảo độ ẩm cho cây và chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng phương pháp) thì hiệu  diệt trừ mới cao. 

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 212.000ha cà phê. Hàng năm, địa phương này thu hoạch đạt hơn 520.000 tấn cà phê, chiếm trên hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://tintuc365.net/dak-lak-rep-sap-phat-sinh-gay-hai-tren-nhieu-dien-tich-ca-phe-a95998.html