VCCI: Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện

Nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI về các khó khăn hiện nay khi cần tiếp cận thông tin quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng.

Sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Tiếp cận thông tin quy hoạch

Nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI về các khó khăn hiện nay khi cần tiếp cận thông tin quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng.

Về việc đăng tải công khai quy hoạch trên mạng, các địa phương khác nhau thực hiện công việc này khác nhau. Một số địa phương đăng tải tương đối đầy đủ trên cổng thông tin điện tử các quyết định phê duyệt quy hoạch, bản đồ và thuyết minh đi kèm, kể cả các lần điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng không ít địa phương đăng tải không đầy đủ như chỉ đăng quyết định mà không đăng bản đồ; hoặc chỉ đăng bản đồ mà không có thuyết minh; hoặc chỉ đăng các đồ án quy hoạch mới mà không đăng các lần điều chỉnh; đặc biệt là rất ít địa phương đăng tải các lần điều chỉnh cục bộ. Tình trạng này gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân khi muốn tra cứu thông tin về quy hoạch.

Về hình thức đăng tải, các địa phương hiện đăng tải quy hoạch chủ yếu dưới dạng file PDF hoặc file ảnh. Nhiều trường hợp các bản chụp dung lượng thấp, độ phân giải kém, hình ảnh “mờ tịt” khiến các doanh nghiệp không thể xem được thông tin mà mình cần.

Về việc cung cấp thông tin theo yêu cầu, các địa phương cũng đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đồng đều. Hiện nay, các doanh nghiệp đã có thể yêu cầu sở quy hoạch kiến trúc hoặc UBND cấp huyện xã cung cấp thông tin về quy hoạch, tra cứu quy hoạch. Các cơ quan này cũng có thể cung cấp thông tin dưới dạng văn bản chính thức, có xác nhận, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các bên giao dịch. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp phản ánh tình trạng mất chi phí không chính thức mới có thể tra cứu quy hoạch như yêu cầu. Thêm vào đó, việc cung cấp thông tin về quy hoạch thường chỉ áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp yêu cầu một thông tin cụ thể nào đó. Còn trường hợp doanh nghiệp muốn có thông tin tổng thể để nghiên cứu, lựa chọn phương án đầu tư thì chưa thực sự đáp ứng.

Về dịch vụ cung cấp thông tin, hiện có một số đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ thông tin quy hoạch có mất phí. Ngoài các thông tin thô từ đồ án quy hoạch của Nhà nước, các đơn vị này còn cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng như chồng chập bản đồ, tạo sự thuận lợi cho người dùng. Các đơn vị này đã tiếp cận được file CAD đồ án quy hoạch để từ đó có thể cung cấp dịch vụ.

Như vậy, vấn đề tiếp cận thông tin quy hoạch xây dựng hiện nay vẫn chưa được thuận lợi và có nhiều không gian để cải thiện. Có thể cân nhắc một số sửa đổi như sau:

Thứ nhất, Dự thảo Luật cần quy định rõ việc công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải được đăng tải đầy đủ cả quyết định, bản đồ, thuyết minh của tất cả các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch tổng thể, điều chỉnh cục bộ.

Thứ hai, về hình thức công khai cần có quy định yêu cầu bản chụp phải rõ ràng, độ phân giải đủ để nhìn rõ các thông tin trong bản đồ quy hoạch. Đề nghị đăng tải đồng thời cả file CAD và bản chụp chính thức (nếu có sự khác biệt giữa hai bản thì bản chụp có giá trị chính thức). Việc đăng tải file CAD để tra cứu có ý nghĩa rất lớn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khai thác thông tin quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã hội.

Thứ ba, nghiên cứu cơ chế xã hội hoá các dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch. Theo đó, các đơn vị tư nhân có thể dùng các bản quy hoạch đã được công khai rồi thêm các giá trị gia tăng như tìm kiếm nhanh, so sánh giữa các lô đất, chồng chập bản đồ…

Xử lý chồng chéo, xung đột giữa các loại quy hoạch

Nhiều doanh nghiệp hiện nay phản ánh tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch. Tình trạng này khiến cho quá trình lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ quan soạn thảo cũng coi đây là một trọng tâm cần phải xử lý trong quá trình xây dựng pháp luật có liên quan.

Điều 7 của Dự thảo đã quy định nguyên tắc tuân thủ quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo đó, Điều 7.2 của Dự thảo đã quy định về một số nguyên tắc trong quá trình xây dựng quy hoạch như nội dung của quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên; quy hoạch không gian ngầm phải phù hợp với quy hoạch chung. Tại phiên bản Dự thảo ngày 27/12/2023, Điều 7.3 có quy định về quy tắc áp dụng quy hoạch, theo đó, nếu có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch thì ưu tiên áp dụng quy hoạch cấp cao hơn hoặc nếu cùng cấp thì áp dụng quy hoạch ban hành sau. Mặc dù vậy, phiên bản dự thảo ngày 21/03/2024 đã không còn Điều 7.3 này nữa. Nói cách khác, khi có sự mâu thuẫn, xung đột giữa các bản quy hoạch khiến một dự án, hoạt động trên thực tế không được triển khai, doanh nghiệp và người dân phải chờ điều chỉnh các quy hoạch cho đến khi bảo đảm thống nhất thì mới được làm.

Hơn nữa, Điều 7 mới chỉ đề cập đến sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch xây dựng với nhau. Trên thực tế, doanh nghiệp còn phản ánh tình trạng dự án bị đình lại do mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch ngành quốc gia (như khoáng sản, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp…) và đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất.

Trên thực tế, dù đã có các quy tắc để bảo đảm tính thống nhất trong công tác xây dựng quy hoạch, nhưng việc nội dung các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không thể tránh khỏi. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và bổ sung một số quy tắc trong việc áp dụng quy hoạch, theo đó, khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo nhau giữa các quy hoạch thì ưu tiên áp dụng quy hoạch nào?

Tương tự như đối với văn bản quy phạm pháp luật, dù đã có các nguyên tắc về việc xây dựng văn bản pháp luật cấp dưới không được trái với văn bản cấp trên, các văn bản pháp luật phải thống nhất với nhau, nhưng cũng không thể tránh khỏi tình trạng chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn. Chính vì thế, đối với văn bản quy phạm pháp luật vẫn có nguyên tắc ưu tiên áp dụng khi các văn bản có nội dung mâu thuẫn nhau. Điều này mang lại lợi ích to lớn do người dân và doanh nghiệp không phải đợi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được thực hiện công việc của mình. Mặc dù điều này có thể dẫn đến nguy cơ bỏ qua quy định hợp lý mà lại áp dụng quy định bất hợp lý, nhưng tác động tiêu cực này nhỏ hơn so với việc phải chờ đợi sửa đổi văn bản.

Thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung

Theo quy định hiện hành, các quy hoạch chi tiết 1/500 do doanh nghiệp tự lập và đề nghị cơ quan nhà nước thẩm định, phê duyệt. Pháp luật cũng đã thiết kế thủ tục hành chính cho việc này theo đúng quy định về kiểm soát thủ tục hành chính tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP.

Đối với các loại quy hoạch đô thị và nông thôn khác hiện nay do các cơ quan nhà nước lập, thẩm định và phê duyệt. Trên thực tế, nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc xin điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung khá lớn.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường có đơn xin và CQNN vẫn xem xét và chấp thuận/không chấp thuận các đề nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay không coi đây là một thủ tục hành chính mà chỉ mang tính đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Do đó, việc đề xuất này được xem xét, xử lý như thế nào hoàn toàn phụ thuộc từng cơ quan, từng địa phương mà không có thủ tục thống nhất trên toàn quốc.

Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định thêm các thủ tục hành chính cho việc xin điều chỉnh quy hoạch các cấp. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp đơn theo mẫu xin điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung trên các cổng dịch vụ công. Nhà nước vẫn giữ quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp và phải trả lời rõ lý do trong thời hạn luật định. Việc bạch hoá thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa giúp cho hoạt động này được minh bạch hơn.

Tài trợ nhiệm vụ quy hoạch

Điều 12 của Dự thảo đưa quy định về việc doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động quy hoạch. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn được quyền tài trợ cho việc xây dựng các quy hoạch, nhưng không được thanh toán trực tiếp cho tổ chức tư vấn lập quy hoạch mà phải nộp vào ngân sách rồi chi trả theo các quy định về quản lý ngân sách nhà nước.

Hiện nay, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc doanh nghiệp tài trợ lập quy hoạch có cả ưu điểm và nhược điểm.

Ưu điểm là khoản chi sẽ linh hoạt hơn và sát với nhu cầu thực tế. Doanh nghiệp có thể tiết kiệm những chi phí không cần thiết nhưng đồng thời cũng sẽ linh hoạt hơn khi trả thù lao cao để thuê chuyên gia giỏi. Chi phí sẽ không bị phụ thuộc vào đơn giá và định mức của Nhà nước. Theo đánh giá, các quy hoạch được lập theo cơ chế này có thời gian nhanh hơn, chất lượng thường cao hơn, ít gặp vướng mắc, bất cập khi triển khai.

Nhược điểm của cơ chế này là các doanh nghiệp sẽ muốn nội dung quy hoạch có lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của mình. Một số trường hợp điều này đồng thời mang lại lợi ích chung cho xã hội, nhưng cũng không ít trường hợp tác động tiêu cực đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.

Trong thời gian qua, các địa phương đã hạn chế việc doanh nghiệp tài trợ trực tiếp cho đồ án quy hoạch. Theo đó, tiền tài trợ sẽ phải hoà chung vào ngân sách rồi sau đó được chi cho công tác lập quy hoạch theo định mức của Nhà nước. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, cơ chế này cũng không phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp vẫn tìm nhiều cách khác nhau để tác động vào nội dung quy hoạch bằng nhiều con đường không chính thức. Như vậy, việc cấm tài trợ trực tiếp cho đồ án không giải quyết được vấn đề, nó chỉ làm cho vấn đề trở nên khó bị phát hiện hơn.

Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp cận theo hướng khác, theo đó, cho phép doanh nghiệp tài trợ đồ án quy hoạch nhưng các thông tin về việc tài trợ này sẽ được công khai. Đi kèm với đó, quy trình thẩm tra, thẩm định, lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch sẽ được làm kỹ lưỡng hơn bình thường và có sự giám sát của nhiều bên hơn. Sự giám sát này sẽ giúp làm giảm nguy cơ lợi ích được cài cắm làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, nhưng cũng vẫn tận dụng được tác động tích cực của việc doanh nghiệp tài trợ đồ án quy hoạch. Nói cách khác, thay vì đưa quy định cấm rồi các bên vẫn thực hiện một cách không chính thức thì cho phép một cách chính thức đi kèm với công khai, giám sát chặt chẽ hơn.

T.M

Link nội dung: https://tintuc365.net/vcci-du-thao-luat-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-con-nhieu-van-de-can-hoan-thien-a96244.html