Doanh nghiệp ngành bia quý I/2024: Doanh thu tăng nhưng vẫn chưa "đã"

Quý I/2024, doanh thu của doanh nghiệp ngành bia tăng trưởng, song dưới nhiều áp lực mà lợi nhuận bị bào mòn dẫn đến tăng trưởng nhẹ, thậm chí có công ty báo lỗ.

Sự trở lại của “đại gia” ngành bia

Sau năm 2023 kinh doanh ảm đạm giật lùi, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; HoSE: SAB) bước sang quý I/2024 với tình hình kinh doanh tăng trưởng trở lại. 

Theo đó công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.200 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ bán bia chiếm gần 90% đạt gần 6.400 tỷ đồng, bên cạnh 10% doanh thu từ bán nguyên vật liệu và số ít còn lại tới từ nước giải khát, rượu, cồn và sản phẩm khác.

Trong 3 tháng đầu năm, ông lớn ngành bia khu vực phía Nam ghi nhận chi phí tài chính giảm mạnh gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, chi phí bán hàng cũng giảm nhẹ hơn 2%.

Sau khi trừ các chi phí, Sabeco ghi nhận lãi sau thuế gần 1.024 tỷ đồng quý I, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần gần 34.400 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng, tăng gần 8%. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Sabeco đã thực hiện được 21% chỉ tiêu doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo Sabeco, nhu cầu tiêu thụ bia đã có sự cải thiện dù việc thực thi Nghị định 100 vẫn còn nghiêm ngặt. Cùng với đó, tác động thuận lợi từ việc tăng giá trong năm ngoái đã giúp doanh thu thuần được cải thiện.

Chi phí bán hàng bào mòn lợi nhuận

Cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu nhưng đứng trước những áp lực từ chi phí, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN) thậm chí báo lỗ ngay trong quý I/2024.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý I/2024 đạt 1.308 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của Habeco tăng 9% lên 267 tỷ đồng.

Song, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của Sabeco ghi nhận giảm xuống còn 38 tỷ đồng, giảm 16% cùng kỳ. Ở chiều ngược lại công ty cũng ghi nhận nhiều chi phí phát sinh mạnh trong quý, trong đó chi phí quảng cáo khuyến mại hỗ trợ tăng 41% lên 105 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8% lên 92 tỷ đồng.

Dưới sự bào mòn của chi phí nên sau thuế, Habeco ghi nhận lỗ 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 3,7 tỷ đồng. Đây là số lỗ lớn nhất của Habeco kể từ đầu năm 2020.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận Habeco cho biết, có nguyên nhân khiến công ty thua lỗ quý I năm nay là do mặt bằng lãi suất huy động giảm làm cho doanh thu hoạt động tài chính giảm so với cùng kỳ. Đồng thời, Habeco gia tăng đầu tư cho công tác thị trường để hướng tới mục tiêu hoàn thành tổng thể các kế hoạch đã đề ra năm 2024.

Lần đầu có lãi sau 8 năm thua lỗ

Nhắc đến ông chủ hãng rượu vodka Hà Nội, không thể không nhắc đến chuỗi lỗ liên tiếp tại doanh nghiệp này từ năm 2016. Tuy nhiên, sau 8 năm liên tục chìm trong thua lỗ, quý I/2024, Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico; UPCoM: HNR) đã báo lãi trở lại.

Theo đó, doanh thu quý I/2024 của Halico đạt hơn 35 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng chậm hơn biên độ tăng của doanh thu nên lãi gộp của công ty đạt 11,3 tỷ đồng, cao hơn 61%. Biên lợi nhuận gộp nhờ đó cũng tăng từ 25% lên 32%.

Khấu trừ các chi phí, Halico ghi nhận lợi nhuận sau thuế 465 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên, doanh nghiệp này kinh doanh có lãi sau chuỗi thua lỗ kéo dài 8 năm liên tiếp từ 2016 đến 2023. Tuy nhiên,ông chủ hãng rượu vodka Hà Nội vẫn còn lỗ lũy kế hơn 457 tỷ đồng, cao hơn 28% vốn chủ sở hữu.

Nặng mối lo Nghị định 100

Về dự báo về ngành bia trong năm 2024, Công ty Chứng khoán Funan (FNS) cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện, bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

Các chuyên gia FNS đánh giá, chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, ảnh hưởng bởi Nghị định 100. Bên cạnh đó, xu hướng tất yếu trong tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng ngành bia.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng của ngành bia trong năm 2024. Bởi theo đơn vị phân tích này, mức tiêu thụ bia có thể tiếp tục chịu tác động kép từ Nghị định 100 và thu nhập của người tiêu dùng giảm trong năm nay.

SSI Research lấy dẫn chứng từ thị trường Trung Quốc khi chính phủ nước này áp dụng luật lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023, mức tăng trưởng tiêu thụ bia tại đất nước tỷ dân đã chững lại đáng kể.

Do đó, SSI Research nhận định các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại.

Link nội dung: https://tintuc365.net/doanh-nghiep-nganh-bia-quy-i2024-doanh-thu-tang-nhung-van-chua-da-a96505.html