Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Admin
Việc lấy ý kiến sẽ bắt đầu từ 3/1 đến 15/3, đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thực hiện Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Mục đích nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 671, đồng thời huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Tiêu điểm - Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1-15/3/2023 (Ảnh: Hữu Thắng).

Nội dung lấy ý kiến gồm: Bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất;  chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực;  hộ gia đình sử dụng đất.

Hình thức lấy ý kiến là góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử); tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều hình thức khác.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, hoạt động này sẽ phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng luật từ quá trình xây dựng. Đồng thời, góp phần tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc liên quan đất đai trong thực tiễn.

Tránh hình thức

Trước đó, Phiên họp thứ 18, UBTVQH đã xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệnhấn mạnh, việc xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức tổ chức để bảo đảm lấy ý kiến nhân dân thiết thực, hiệu quả, thực chất Xây dựng luật tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định về lấy ý kiến các đối tượng tác động.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế có ít luật tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do đó, cần làm rõ việc lấy ý kiến nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, tinh thần là “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “nhân dân” trong lấy ý kiến nhân dân được xác định như thế nào? là những ai? Có phải gồm người dân và doanh nghiệp… Đây là nội dung cần được làm rõ. Vấn đề khác là cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức.