Chiều 29-12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nội vụ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong năm 2022, ở Bộ ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục, giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Điển hình là các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Bộ Y tế.
Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Đến nay, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, các Bộ, ngành đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác ngành nội vụ chiều 29-12
Về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các Bộ ngành, địa phương là 79.057 người. Trong đó, các Bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Bộ Nội vụ tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và từng năm, để bảo đảm đến hết năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế công chức, giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Đồng thời, tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022 - 2026. Trong đó, năm học 2022- 2023 giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục.
Bộ Nội vụ cho biết tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa một số chủ trương, quy định mới của Đảng liên quan đến công tác cán bộ và nghiên cứu đề xuất một số cơ chế về thu hút, trọng dụng nhân tài; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, theo đó đã phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới.
Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền lộ trình triển khai thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm trong năm 2022, Bộ Nội vụ đã đổi mới công tác quản lý công vụ và công chức, tập trung xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và bước đầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai Đề án đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho chính quyền địa phương ở nước ngoài...
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn nhận thấy còn nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc trên thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ; việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có mặt còn hạn chế; tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.
Về tinh giản biên chế gắn cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngành, địa phương.
Sẽ sơ kết mô hình chính quyền đô thị
Bộ Nội vụ cho biết năm 2023 sẽ đẩy mạnh việc thẩm định trình cấp có thẩm quyền thành lập các đơn vị hành chính đô thị gắn nâng cao chất lượng đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa theo chủ trương của Đảng.
Đồng thời, tổ chức sơ kết mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống thể chế, chính sách mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.