Trong nhiều loại "định danh" hiện nay mà các cơ quan nhà nước đang triển khai, định danh cuộc gọi được nhiều người dân quan tâm, vì nó trực tiếp có ảnh hưởng đến công việc của họ. Đây chính là một trong những giải pháp mà các cơ quan chức năng đang tiến hành để góp phần chống nạn lừa đảo, bạo hành trên mạng viễn thông.
Theo thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11-2023 ngày 6-11 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ TT-TT đã bắt đầu thực hiện định danh cuộc gọi của các cơ quan, đơn vị trưc thuộc và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Cụ thể, kể từ ngày 27-10-2023, tất cả các số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ TT-TT gọi đến người dân sẽ hiển thị tên định danh là "BO TTTT". Các số điện thoại của doanh nghiệp (DN) viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh. Chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng VinaPhone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel), FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)… Nếu người dùng nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại xưng là người của các đơn vị thuộc Bộ TT-TT hay nhà mạng mà không phải định danh là "BO TTTT" hay các nhà mạng thì đó là số mạo danh.
Tất nhiên đó chỉ là bước đầu. Việc định danh cuộc gọi cần được mở rộng ra các bộ, ngành khác cũng như các cơ quan nhà nước cấp địa phương. Đặc biệt ưu tiên là các cơ quan và tổ chức "nhạy cảm" và bị mạo danh nhiều nhất như công an, tòa án, viện kiểm sát, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản... Thậm chí, mở rộng cho những tổ chức, DN và cả cá nhân có nhu cầu định danh cuộc gọi.
Hiện Bộ TT-TT phối hợp với các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa biện pháp chống các hành vi "cướp sóng di động", cụ thể là sử dụng các trạm phát sóng di động giả mạo (BTS giả). Đây là chiêu thức của bọn tội phạm có tổ chức sử dụng những thiết bị làm giả các trạm BTS để xâm nhập mạng viễn thông công cộng, phát tán tin nhắn mạo danh, lừa đảo, đe dọa người dân. Từ đầu năm 2023 đến nay, có tổng cộng 17 vụ BTS giả đã bị phát hiện và xử lý; trong tháng 10, Bộ TT-TT đã phát hiện 2 vụ BTS giả tại khu vực Hà Nội và TP HCM. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa Bộ TT-TT với ngành công an từ trung ương tới địa phương. Việc các cơ quan chức năng hợp tác chặt chẽ với nhau để tăng cường các biện pháp xử lý bọn phạm pháp sẽ mang lại nhiều kết quả.
Thực tế từ các nước khác cho thấy chống các loại tội phạm trên môi trường mạng internet và viễn thông là chuyện phải thực hiện lâu dài và kiên quyết để bảo vệ người dân và xã hội.