Cung tăng, cầu giảm, giá dầu tiếp tục lao dốc

Admin
Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu lần đầu tiên giảm xuống dưới 90 USD/thùng kể từ tháng 10, trong khi dầu thô WTI chuẩn Mỹ ở mức trên 80 USD/thùng hôm 17/11.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cho biết 23 quốc gia trong liên minh của họ sẽ áp đặt mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng này - mức cao nhất trong 2 năm kể từ khi giá dầu bắt đầu phục hồi sau những tác động tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19.

Mục đích của OPEC+ là để làm dịu những lo lắng thường trực về nhu cầu dầu tăng lên trong những tháng gần đây khi các nền kinh tế toàn cầu phát đi tín hiệu suy thoái do lạm phát tăng cao sau hậu quả của đại dịch.

Giá dầu thô đạt mức cao nhất trong 14 năm vào tháng 3, khi dầu Brent đạt mức gần 140 USD/thùng và dầu WTI ở mức hơn 130 USD/thùng. Tuy nhiên, đến tháng 9, giá 2 loại dầu này lần lượt giảm xuống còn khoảng 82 USD/thùng và 76 USD/thùng.

Việc cắt giảm sản lượng theo lệnh của OPEC+ đã giúp dầu Brent phục hồi lên khoảng 100 USD/thùng cách đây 2 tuần, trong khi dầu WTI đạt trên 93 USD/thùng.

Tuy nhiên, một số vấn đề nảy sinh đã ngăn chặn đà phục hồi của giá dầu, khiến cả hai chỉ số giảm mạnh trong 2 tuần qua.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh St. Louis James Bullard, một trong những người ủng hộ chính sách diều hâu của ngân hàng trung ương mạnh mẽ nhất, đã làm tăng thêm áp lực lên giá dầu khi nói rằng lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức “cao không thể chấp nhận được”. Theo ông Bullard, Fed có thể sẽ phải tăng lãi suất cơ bản lên ít nhất 5% để dập tắt lạm phát.

Trong khi đó, Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày gia tăng. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã yêu cầu giảm khối lượng dầu thô nhập từ Ả Rập Xê-út trong tháng 12, đồng thời làm chậm hoạt động mua dầu thô của Nga.

Mặc dù số ca nhiễm COVID của Trung Quốc nhỏ hơn so với các quốc gia khác, nhưng nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vẫn duy trì các chính sách nghiêm ngặt để ngăn chặn các đợt bùng phát sớm, làm giảm nhu cầu nhiên liệu.

Trong phiên giao dịch ngày 17/11, giá dầu WTI giao tháng 12 giảm 3,95 USD (4,6%), ở mức 81,64 USD/thùng. Điểm chuẩn dầu thô Mỹ đã giảm 8,3% từ đầu tuần đến nay, kéo dài mức giảm 4% của tuần trước.

Giá dầu Brent giảm 3,08 USD (3,3%), ở mức 89,78 USD, lần đầu tiên giảm xuống dưới 90 USD kể từ ngày 18/10. Trong tuần, điểm chuẩn dầu thô toàn cầu giảm 6,5%, sau khi giảm 2,6% vào tuần trước.

Các chỉ số kỹ thuật, hợp đồng tương lai tháng trước của Mỹ đã giảm xuống dưới mức trung bình động 50 ngày, theo ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao về giao dịch tại công ty dịch vụ tài chính BOK Financial, Mỹ. Ông Kissler cũng dự đoán áp lực sẽ tiếp tục tăng lên vào đầu tuần tới.

Đồng quan điểm, ông Sunil Kumar Dixit, chiến lược gia trưởng tại SKCharting.com cho biết các biểu đồ kỹ thuật cho thấy chỉ số WTI và Brent sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới.

Nguyễn Tuyết (Theo Investing, Reuters)