Dấu ấn xuất khẩu trên 700 tỷ USD tạo động lực mới cho thương mại 2023

Admin
Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 7 lần sau 15 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ là động lực mới cho mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2023.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kim ngạch xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng.

Dấu ấn trên 700 tỷ USD

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD, tăng 7 lần sau 15 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Dấu ấn xuất khẩu trên 700 tỷ USD tạo động lực mới cho thương mại 2023 - Ảnh 1.

Việt Nam xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư trên 11 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5% so với 2021, đạt khoảng 371,5 tỷ USD; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

“Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư trên 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ ra.

Là ngành xuất khẩu chủ lực dù trong năm 2022 trải qua nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng và thị trường sụt giảm, song ngành dệt may năm 2022 vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD tăng 3,8% so với năm 2021. Sản phẩm dệt may đã được xuất khẩu sang 66 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số mặt hàng xuất khẩu duy trì từ 47 - 52 mặt hàng, trong đó mặt hàng quần áo may mặc chiếm kim ngạch xuất khẩu chủ yếu.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, có được kết quả như năm vừa qua là nhờ Việt Nam đã kí kết và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do. Đây chính là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, các DN ngành dệt may hiện nay đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may Việt Nam gia công nhiều, sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu…

Đánh giá về kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng năm 2022, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc sớm ổn định và phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 đã thúc đẩy phục hồi sản xuất và giao dịch. “Đây là động lực rất lớn để tạo ra nguồn hàng cho các hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất”, ông Hải nói.

Đặc biệt, năm 2022, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực sự phát huy hiệu quả. Cùng với đó, nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hỗ trợ tối đa cho các hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại…là những hoạt động rất quan trọng để thúc đẩy kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu năm vừa qua.

Tuy nhiên theo ông Hải, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm...

“Dù kết quả năm 2022 khởi sắc nhưng bối cảnh mới hiện nay có nhiều khó khăn và biến động, những tác động tiêu cực chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Theo thông tin sơ bộ đánh giá từ một số ngành hàng, tình trạng đơn hàng đầu năm 2023 đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngành hàng liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng như là dệt may, da giày. Do vậy, vấn đề đơn hàng, cũng như nguồn hàng xuất khẩu tiếp tục khó khăn trong thời gian tới”, ông Hải nhìn nhận.

Dấu ấn xuất khẩu trên 700 tỷ USD tạo động lực mới cho thương mại 2023 - Ảnh 2.

Tiêu chuẩn xanh hóa sản phẩm cần được các DN lưu ý và có giải pháp đáp ứng yêu cầu từ nhiều thị trường xuất khẩu.

Tiêu chuẩn “xanh hóa”, thuế carbon cần được lưu tâm

Năm 2023, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương tập trung cao cho việc mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, chuỗi cung ứng; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch bền vững; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Trần Thanh Hải, thời điểm hiện nay, yêu cầu bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết. Điều đó cũng phản ánh vào trong vấn đề sản xuất và thương mại hàng hóa, nên các DN cần chú trọng việc đảm bảo các tiêu chuẩn về xanh hóa các sản phẩm xuất khẩu.

“Dù yêu cầu này có thể mới tác động đến một số nhóm DN lớn, nhưng những DN này lại có tác động đến thị trường, buộc những DN trong chuỗi cung ứng, trong đó có các DN gia công, sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu tác động là đặc điểm cần hết sức lưu ý”, ông Hải khuyến nghị.

Một yếu tố rất mới liên quan đến thị trường xuất khẩu được ông Hải đưa ra là việc một số thị trường như EU dự kiến áp thêm các dòng thuế mới liên quan đến môi trường - đó là thuế carbon. Khi đó, sản phẩm xuất khẩu tiêu tốn nhiều năng lượng, không có giải pháp trung hòa phát thải sẽ phải gánh chịu thêm sắc thuế. Với quy định này, tính cạnh tranh của sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng nên các DN cần lưu ý để nghiên cứu và có giải pháp xử lý./.