Tiếp tục kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng nay (4/11), tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cần có chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt
Phát biểu tại Hội trường, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) khẳng định, trong 1 thế giới nhiều bất ổn, lạm phát tăng cao 3 năm vừa qua, bình quân mỗi năm tăng 6%, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại ước tăng 3,2%, nhưng Việt Nam nổi lên là điểm sáng. Cụ thể: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chỉnh phủ điện tử tăng 15 bậc, đặc biệt chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc…
“Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định chính trị xã hội, duy trì lạm phát ở mức tốt trong 10 năm qua, bình quân năm 2015 đến nay bình quân lạm phát chỉ 3%, cán cân thương mại thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay tích luỹ được hơn 100 tỷ USD, nợ công/GDP kéo giảm để chúng ta tiếp tục đầu tư các dự án lớn, kinh tế ước cả năm 2024 trên 7%; năm 2025, phấn đấu 6,5%-7%, mức cao hơn là 7,5%”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Về các nhóm giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới, ông Ngân nhấn mạnh tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu để gia tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, tạo giá trị gia tăng như nông sản, thuỷ sản.
“Gần đây, chúng ta rất vui mừng khi các sản phẩm công nghệ Việt Nam đã được xuất khẩu đi nước ngoài như chip, phần mềm, hơn 1.500 doanh nghiệp số ở Việt Nam đã đi ra nước ngoài”, ông Ngân thông tin.
Về giải pháp thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, đại biểu Đoàn TP.HCM cho rằng, hiện tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên, trong đó vốn đầu tư từ dân doanh vẫn còn thấp, vốn tại khu vực FDI tăng cao. Chính vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt Quốc hội sắp bấm nút thông qua hàng loạt các chính sách luật, Nghị quyết lần này là một trong những biện pháp để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế kinh tế, cải thiện môi trường, huy động các nguồn lực trong phát triển kinh tế.
Về động lực tiêu dùng, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiêu dùng nội địa đã tăng song vẫn chưa đạt được tỷ lệ hai con số như thời gian trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Ông Ngân đề nghị Chính phủ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ tăng tiêu dùng, trong đó có giảm, miễn thuế để kích cầu, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt Nam.
Đặc biệt, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất quan tâm đến vấn đề lương hưu, trợ cấp, trợ cấp với người có công trong năm 2025. Bởi, sang năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc. "Rất mong Chính phủ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp. Chúng ta không tăng lương khu vực công nhưng phải tăng lương hưu, trợ cấp", ông Ngân đề nghị.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, chuyển đối số, xanh, đánh thức 3 động lực tăng trưởng nội sinh đất nước là: Nông nghiệp, Văn hoá và Du lịch - đây là những thế mạnh của dân tộc chúng ta từ đặc điểm kinh tế, lịch sử văn hoá, thiên nhiên ưu đãi.
“Ba lĩnh vực này mới là chủ công của phát triển đất nước trong thời gian tới”, ông Ngân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cũng cho rằng, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm... Do đó, đại biểu đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ nền kinh tế...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.
Mặt khác, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Về chính sách tiền tệ, theo đại biểu, cần nới lỏng thực chất chính sách tiền tệ, ngân hàng nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành mà chúng ta cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến xuất khẩu. Tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này.
Ngoài ra, cần tăng vốn quyết liệt hơn, tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giúp ổn định đồng USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD cũng như cải thiện khả năng cho vay của ngân hàng thương mại.
Bùng nổ thương mại điện tử khiến tội phạm mạng gia tăng
Tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho biết, với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội hiện nay, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; đặc biệt là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội.
Ông Tuấn dẫn số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.
Từ thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung chỉ đạo có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay, trong đó có khá nhiều trường hợp học sinh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ngoài những quy định cấm hút thuốc lá Chính phủ đã ban hành, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần phải có sự phối hợp tuyên truyền giáo dục hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội đi cùng với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.